Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang được người tiêu dùng quan tâm, nhất là sản phẩm chăn nuôi sạch theo quy trình đảm bảo an toàn. Xuất phát từ thực tế đó, gia đình anh Ngô Thế Cường thôn Ao Vè, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ, với mục tiêu hướng tới sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 

 

Theo chân cán bộ nông nghiệp xã Vô Tranh chúng tôi đến thăm trại lợn với tổng diện tích gần 2ha, chăn nuôi theo hướng hữu cơ của gia đình anh Cường, diện tích chuồng trại 500m2, diện tích còn lại được anh Cường bố trí trồng các loại rau phục vụ nuôi lợn hữu cơ và các loại cây ăn quả như bưởi, cam, hồng xiêm, chuối và chăn nuôi gà.

Anh Cường cho biết, “sau khi khảo sát thị trường, tham khảo các thông tin, tôi nhận thấy, người dân ngày càng chú ý đến việc tiêu dùng các loại thực phẩm sạch mà thịt lợn là một trong những thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng nhiều. Phần lớn người dân hiện nay đều mua thịt lợn theo kiểu tìm những chỗ thân quen, chủ yếu dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau để mua. Tôi nghĩ tại sao mình không chuyển sang nuôi lợn sạch để đáp ứng nhu cầu của thị trường và mở hướng mới trong nghề chăn nuôi”.

Năm 2019, gia đình anh Cường bắt đầu xây dựng trang trại lợn bằng hệ thống chuồng sàn chăn nuôi lợn tiết kiệm nước giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, mặt chuồng nuôi luôn khô ráo, lợn sạch sẽ ít bệnh, không tốn công chăm sóc, dọn dẹp và đặc biệt không tốn nước rửa chuồng. Ngoài ra gia đình anh còn xây bể biogas để vừa xử lý chất thải chăn nuôi và vừa có khí ga để đun nấu. Sau khi xây xong chuồng và dịch tả lợn Châu Phi ổn định anh bắt đầu vào chăn nuôi lợn hữu cơ, ban đầu nuôi với quy mô gần 70 con.

Khu vực nuôi lợn của gia đình anh được bố trí rất quy củ, gồm 6 chuồng, phân chia theo lứa tuổi gồm khu nuôi lợn nái sinh sản, khu nuôi lợn mới tách mẹ và đặc biệt có khu nuôi lợn con lợn con sau khi được tách mẹ và được chăm sóc ổn định khoẻ thì cho vào chuồng.

Thức ăn toàn bộ sử dụng các loại thức ăn tự nhiên hữu cơ như cám gạo, cám ngô. Rau xanh để ủ làm thức ăn cho lợn. Để bổ sung thêm chất đạm, dinh dưỡng cho lợn, anh Cường còn đầu tư xây dựng cả một khu chuồng nuôi trùn quế với diện tích 300m2. Sản phẩm trùn sẽ làm thức ăn cho lợn.

Chăn nuôi hữu cơ, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn được gia đình anh rất quan trọng. Theo anh Cường, việc phòng bệnh được anh ưu tiên hàng đầu. thực hiện chặt chẽ nghiêm ngặt công tác phòng bệnh, phun thuốc khử trùng toàn bộ và xung quanh chuồng trại thường xuyên, người ra vào chuồng cũng phải tuân thủ tiêu độc khử trùng trước khi ra vào khu vực chuồng trại. Nếu như nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp thời gian nuôi từ khi sinh đến khi xuất chuồng chỉ mất khoảng 4- 4,5 tháng, thì nuôi lợn phương pháp hữu cơ phải mất 6 - 7 tháng, bởi khi lợn nuôi lâu, lớn chậm thì da mới dày và thịt mới chắc, thơm ngon. Đầu năm, gia đình đã bán 50 con lợn thịt, lợn này được gia đình mổ bán với giá bán 150.000 đồng/kg trừ chi phí thu lãi 400 triệu đồng, trong khi đó, thịt lợn tại địa phương bán với giá 135.000 đồng/kg.

Sau khi thấy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi anh Cường mở rộng quy mô lên 12 lợn nái sinh sản và gần 200 con lợn thịt. Lợn nái sinh sản đến đâu gia đình để nhân giống để nuôi. Hiện, có 25 - 30 con lợn thịt đang đạt trọng lượng 90kg dự kiến 20 ngày nữa xuất chuồng với giá bán hiện tại 170.000 đồng/kg ước tính thu lãi khoảng 300 triệu.

Thịt lợn của gia đình anh bán cho bà con quanh xã mọi người đều phản hồi thịt thơm ngon. Dự kiến thời gian tới anh sẽ mở rộng thị trường và đưa sản phẩm lợn hữu cơ vào các cửa hàng thực phẩm sạch của huyện và tỉnh Bắc Giang.

Ông Tăng Văn Luật - Giám đốc trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lục Nam cho biết mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ là cách làm mới, mạnh dạn của gia đình anh Ngô Thế Cường. Đây là mô hình có hướng phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Trần Vĩnh

theo http://khuyennongbacgiang.com/