Cây chè được xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang xác định là cây trồng chủ lực, thế mạnh. Do vậy, địa phương luôn quan tâm và tập trung chỉ đạo để phấn đấu đến năm 2020 nâng diện tích trồng chè trên địa bàn xã đạt 50 ha và chỉ đến đầu năm 2019, toàn xã Canh Nậu đã đạt trên 53 ha.

Có được kết quả trên cũng bởi địa phương đã biết tập trung khuyến khích mở rộng vùng chè, đặc biệt để vùng chè nguyên liệu của xã có năng suất ổn định, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đồng đều, đặc biệt là an toàn, phục vụ cho chế biến và tiêu thụ. Ngoài việc mở rộng diện tích trồng thâm canh một số giống chè mới, các hộ trồng chè còn luôn ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Tiêu biểu là gia đình ông Hoàng Văn Đương ở bản Trại Sông, xã Canh Nậu, huyện Yên Thế được nhiều người biết đến với mô hình chè hữu cơ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hoàng Văn Đương chia sẻ cách chăm sóc chè của gia đình mình

Ông Hoàng Văn Đương cho biết, gia đình đã trồng chè được trên 15 năm, hiện đang có trên 1 mẫu chè, trước kia chủ yếu sản xuất theo phương thức canh tác truyền thống nhưng vài năm trở lại đây được các cấp, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ nên gia đình biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng nhớ, năm 2018, gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang lựa chọn tham gia mô hình liên kết sản xuất chè hữu cơ. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè theo cách làm mới cũng được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tập huấn, do đó hiệu quả sản xuất và năng suất chè được nâng lên đáng kể, năng suất trung bình đạt 4,5 tạ chè khô/ha/lứa, giá bán trên thị trường của chè hữu cơ cũng cao hơn khoảng 20% so với sản phẩm chè đại trà, mỗi năm thu về 200-300 triệu đồng. Và cùng từ đó đến nay gia đình luôn áp dụng biện pháp canh tác đó.

Sản xuất chè hữu cơ chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không phun thuốc kích thích và phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật an toàn. Chăm sóc chè cũng rất đơn giản, sâu bệnh trên cây chè tùy theo mùa, mùa mưa côn trùng sinh trưởng nhiều thì cần phun mỗi tháng một lần. Phát hiện côn trùng bằng cách, vào buổi tối cầm đèn pin kiểm tra vườn chè thấy côn trùng nở nhiều thì nên phun nhất là giai đoạn mùa mưa. Còn những tháng hè nắng nóng, nhiệt độ cao thì gần như không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.

Thuốc sử dụng để phun cho chè là thuốc trừ sâu sinh học do gia đình ông Đương tự mua nguyên liệu về để điều chế, bao gồm tỏi, gừng, ớt, riềng cho vào máy giã nhuyễn và ngâm với cồn công nghiệp khoảng 1 tháng. Khi sử dụng, chắt 01 lít nước hỗn hợp đã ngâm pha với 100 lít nước sạch để phun cho cây như vậy vừa tiết kiệm chi phí, hiệu quả và rất an toàn cho người tiêu dùng.

 

Chỉ khi cây được chăm sóc tốt thì mới có chất lượng chè ngon nên khâu bón phân cũng rất quan trọng. Sau mỗi lần thu hái cần bón phân 3 màu với lượng 25kg/sào vào giữa rãnh chè cho phân thẩm thấu dần tạo dinh dưỡng thường xuyên cung cấp cho cây chè. Đặc biệt, phân gà ủ hoai mục rất phù hợp để bón cho cây. Một năm chỉ nên bón phân gà hai lần, với lượng 2,5 tạ/sào, lần một vào mùa xuân và lần hai vào khoảng tháng 8 dương lịch để tạo dinh dưỡng đầy đủ cho cây đón lộc đông được to, nhiều lộc, hơn nữa đảm bảo chất lượng chè ngon, đậm chè, đó là một trong những bí quyết trồng chè được ông Đương chia sẻ.

Sản phẩm chè được đóng gói của gia đình ông Hoàng Văn Đương

Theo kinh nghiệm của ông Đương, sản lượng chè đạt cao nhất trong năm vào tháng 4-6, tuy nhiên chất lượng chè thời điểm đó lại kém do thời tiết mưa nhiều, lộc phát triển nhanh, khoảng 20 ngày được thu hái một lứa nên thời gian ko đủ để tích tụ các chất. Vào mùa thu, thời gian thu hái sau các lứa dài hơn, khoảng 30-40 ngày. Đây là mùa được người trồng chè đánh giá đạt chất lượng ngon và ngon nhất là chè đông chí (tức là thời điểm thu hái trước đông chí 10 ngày và sau đông chí 10 ngày).

Để pha được ấm chè ngon, cần chuẩn bị hai bộ lọc, trước tiên cho chè vào bộ lọc thứ nhất với một lượng vừa đủ, “nước một” hãm cho chè ngấm với thời gian khoảng 1- 1,15 phút, sau đó chắt (chắt kiệt nước chỉ để lại bã chè) sang bộ lọc thứ 2 và thưởng thức. Nếu muốn uống tiếp ta lại cho nước sôi vào ấm 1 và làm giống công đoạn trên đó gọi là chè “nước hai”. Với cách pha lọc qua hai bộ lọc khi rót chè ra chén nước xanh, màu nước đẹp, không bị đỏ, không bị nồng và đặc biệt không có cắn chè, người thưởng thức sẽ cảm nhận được cả hương, vị rất ngon và đặc trưng, ông Đương nói.

Chè “Hoàng Đương” hiện có bao bì, nhãn mác đẹp, được bán ở thị trường trong và ngoài tỉnh, thông qua nhiều hình thức quảng bá sản phẩm. Chất lượng chè ở Canh Nậu không thua kém chè Tân Cương -Thái Nguyên nhưng luôn bị thương lái ép giá. Nên trăn trở nhất của người trồng chè ở Canh Nậu là đầu ra cho sản phẩm. Chỉ khi có “đầu ra” suôn sẻ thì người dân mới yên tâm hơn trong sản xuất và mở rộng sản xuất. Nên rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành để bà con trồng chè ở Canh Nậu yên tâm với nghề chè và phát huy mở rộng diện tích chè sạch, ông Đương tâm sự.

Theo anh Bùi Duy Sơn – Cán bộ khuyến nông xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, vùng chè trên địa bàn xã được trồng bằng những giống mới như LDP1, LDP2, Bát tiên giâm hom,… Đến thời điểm này toàn xã Canh Nậu đã hình thành được 3 cơ sở chế biến có sản phẩm chè khô được đóng gói, có ghi rõ địa chỉ nơi sản xuất gồm cơ sở sản xuất và chế biến chè Hoàng Đương, chè Trung – Đông và Dũng Quyến. Sản phẩm làm ra luôn được đảm bảo đúng quy trình từ khâu lưa chọn cây giống đến lựa chon vùng đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và khâu chế biến. Mặc dù chưa có thương hiệu, nhãn hiệu như một số vùng sản xuất chè lân cận, song hầu hết các sản phẩm chè khô do chính các hộ ở đây làm ra đã được thị trường ở nhiều nơi chấp nhận, nhiều khách hàng hay thưởng thức chè còn khẳng định Chè Canh Nậu có nước xanh và vị đậm hơn nhiều vùng trong tỉnh. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Canh Nậu tiếp tục phát triển mở rộng vùng chè nguyên liệu. 

Hương Giang

 

Theo TT Khuyến nông Bắc Giang