Là một hệ thống kỹ thuật nuôi trồng kết hợp hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh học, nông nghiệp hữu cơ cấm sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp, sinh vật biến đổi gen, hoóc-môn tăng trưởng. Hướng tới sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh học, tạo sự cân bằng tự nhiên cho môi trường canh tác. Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng canh tác tôn trọng thiên nhiên, dựa trên các yếu tố cân bằng của quần thể sinh vật mà phát triển cây trồng. Từ đó đặt ra cho người canh tác những thách thức lớn về việc bảo vệ nông sản khỏi các tác nhân gây hại.

Vậy trong canh tác hữu cơ phải quản lý sâu bệnh hại như thế nào?

1/ Mục đích và yêu cầu của canh tác hữu cơ là gì ?

1.1  Mục đích

– Đảm bảo sản phẩm hữu cơ sản xuất ra là an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng

– Không làm mất cân bằng sinh thái

– Không gây ô nhiễm môi trường

– Tăng lượng vi sinh vật có ích ở trong đất… giúp tăng độ phì nhiêu trong đất

1.2 Yêu cầu

– Không sử dụng thuốc trừ sâu hoá học, phân bón hóa học

– Không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc sinh học)

– Không bị tồn dư lượng kim loại nặng (Ca, As, Pb…)

– Lượng tồn dư NO3 ở mức cho phép.

2/ Kinh nghiệm quản lý sâu bệnh hại trong canh tác hữu cơ.

2.1 Kiểm tra vườn, cây trồng thường xuyên

– Thường xuyên kiểm tra vườn, cây trồng. Tần suất nhiều ít tùy thuộc vào tình hình thời tiết, khí hậu, mùa vụ gieo trồng và khu vực trồng cây.

– Nếu phát hiện sâu và ổ trứng của sâu hại cần tiêu diệt ngay để tránh bùng phát dịch bệnh. 

– Phát quang vườn, dọn cỏ để vườn luôn thông thoáng, không có chỗ cho sâu hại phát triển.

Việc thường xuyên kiểm tra vườn giúp chúng ta phát hiện sớm các bệnh hại, sâu hại trên cây trồng. Từ đó tiến hành diệt trừ từ sớm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh để tránh bùng phát bệnh.

2.2 Tạo môi trường cho côn trùng có ích (thiên địch) phát triển

– Trong tự nhiên, luôn có một sự cân bằng nhất định về các loại côn trùng có ích và côn trùng gây hại. Tỷ lệ này luôn luôn tương đương nhau. Tuỳ vào nhiều yếu tố mà có thể sâu hại nhiều hơn thiên địch hay ngược lại. Mỗi loài sâu hại đều có những thiên địch của chúng. Do đó chúng ta cần tạo điều kiện để thiên địch phát triển hơn số sâu hại có trong vườn. 

– Theo thống kê, có hơn 100 họ côn trùng (sâu hại) như nhện, rầy mềm, rệp… Những loài côn trùng này có thể làm thức ăn cho những loài côn trùng (thiên địch) có ích khác như các loài bọ rùa, kiến ba khoang, chuồn chuồn, bọ ngựa, các loài ong,…

Do vậy, việc tạo điều kiện cho các loài thiên địch này phát triển bằng cách trồng các loài hoa thiên nhiên như cỏ ba lá, cỏ linh lăng, hoa sao nhái… xung quanh nơi trồng sẽ tạo điều kiện cho thiên địch phát triển.

2.3 Che chắn bằng nhà lưới, nhà kính, nhà màng

– Với biện pháp này sẽ cách ly gần như hoàn toàn côn trùng. Kỹ thuật này cũng có tác dụng giảm sương giá và dịch hại khác tấn công (chuột, bọ, ốc…). Ngoài ra, nhà lưới, nhà màng còn có tác dụng kéo dài mùa vụ gieo trồng rau, bảo vệ rau khỏi các điều kiện môi trường bất lợi và ngăn chặn sâu bệnh và dịch hại tấn công.

2.4 Bẫy cây trồng

Sử dụng giải pháp sinh thái “bẫy cây trồng” để chia sẻ áp lực gây hại cho vườn của bạn. Tiến hành trồng những cây không quan trọng xung quanh vườn của bạn để thu hút sâu hại. Sau đó, tiêu diệt những cây này khi mật độ sâu hại tập trung cao.

Ví dụ như: cây hướng dương, vạn thọ, sao nhái,…

2.5 Dùng giống kháng sâu, bệnh

Có thể áp dụng một số giống kháng côn trùng theo khuyến cáo. Các giống kháng sâu bệnh có thể giảm thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra. Ví dụ như cà chua kháng xoăn, thối cổ rễ, các giống lúa chống chịu rầy nâu,…

2.6 Điều chỉnh thời vụ gieo trồng

– Người trồng cần có kiến thức nhất định về các loại côn trùng, về đặc điểm gây hại và đặc biệt là thời điểm bùng phát của từng loại trong năm. Khi nắm rõ đặc điểm này rồi thì việc chọn thời vụ để gieo trồng sẽ hạn chế rất tốt sâu bệnh hại.

– Nên trồng đúng vụ để cho năng suất cao, hạn chế trồng trái vụ. Tuy nhiên, nên canh thời gian gieo trồng tránh vào các thời điểm gây hại của sâu, bệnh

 2.7 Trồng xen nhiều loại cây trồng, luân canh khi cần

– Xen canh là kỹ thuật trồng từ 2 đến nhiều loại cây trồng trong một khu vực và cùng thời vụ. Để trồng xen, người trồng cần nắm vững đặc điểm của một số loại rau. Ví dụ:  trồng cà chua xen cây họ thập tự.

– Luân canh là kỹ thuật trồng mỗi vụ một loại cây trồng khác nhau trên cùng chân đất trồng nhằm ngăn côn trùng bùng phát mật số cao gây hại trên một loại cây trồng. 

Việc áp dụng trồng xen và luân canh sẽ làm giảm tác động gây hại lên một đối tượng cây trồng. Thay vào đó, mật độ các loài gây hại trên mỗi đối tượng sẽ được giảm xuống và hạn chế bùng phát thành dịch.

 

2.8 Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, giữ cây khỏe mạnh

– Thường xuyên vệ sinh, phát quang cỏ dại trong và trước, sau khi thu hoạch nhằm làm cho vườn rau thông thoáng.

– Nếu cây khỏe (cây giống tốt, đủ nước, đủ phân…) phát triển tốt thì khi bị côn trùng tấn công cây sẽ có khả năng tự phục hồi nhanh. Hạn chế được tác động gây hại.

– Thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch xong để diệt mầm bệnh: trứng, vi sinh vật gây hại từ vụ cây trồng trước đó.

– Làm đất kỹ: cày xới đất sau thu hoạch để phơi ải đất (nên có đủ thời gian: có thể 1 tuần, 1 tháng hoặc lâu hơn) hoặc lợi dụng thiên địch (chim) diệt nhộng, trứng, mầm bệnh, ổ chuột, bọ, cắt đứt nguồn gây hại cho vụ tới.

2.9 Áp dụng thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc

Một số loại thuốc trừ sâu có thể áp dụng canh tác hữu cơ được các cơ quan chuyên môn công bố bao gồm Bt (Bacillus thuringiensis), thuốc trừ sâu cây cúc, xà phòng trừ sâu, thuốc từ gốc cây Neem, các loại dầu thực vật… Khi sử dụng, cần phải đọc kỹ hướng dẫn và tham khảo ý kiến cán bộ chuyên môn, kỹ thuật trước khi sử dụng cho rau hữu cơ.

Canh tác hữu cơ tại Việt Nam đang là hướng đi tiếp theo và lâu dài trong tương lai. Để canh tác nông nghiệp hữu cơ một cách bền vững đòi hỏi cần có những kinh nghiệm quản lý sâu bệnh hại dựa trên sự tôn trọng thiên nhiên. Hy vọng, đây sẽ là những thông tin bổ trợ kịp thời cho những ai đang có mong muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Nông Tuyên Huấn

Theo http://khuyennongbacgiang.com/