Mô hình nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ biofloc tại thị trấn Cao Thượng

Việc ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi, tạo sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là kỹ thuật mới do Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang triển khai tại thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên năm 2020, cho năng suất vượt trội.

Mô hình liên kết nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm được thực hiện với quy mô từ 1ha. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật cải tạo ao nuôi, phương pháp chọn giống cá, quản lý và nhân sinh khối Biofloc, chăm sóc ao nuôi theo công nghệ Biofloc, quản lý môi trường và phòng, trị bệnh cho cá nuôi... Sau 6 tháng nuôi, tỷ lệ sống trên 74%, cỡ cá thu hoạch trung bình gần 1kg/con; sản lượng đạt gần 34 tấn, với giá bán 32.000 đồng/kg, doanh thu gần 1 tỷ đồng, trừ toàn bộ chi phí thu lãi 229 triệu đồng/ha, tăng 40-50 triệu đồng/ha so với nuôi theo phương pháp truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Mến, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên là một trong những hộ dân tham gia mô hình chia sẻ "đây là năm đầu tiên gia đình tôi nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc. Qua thời gian nuôi tôi nhận thấy những lợi ích thiết thực đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống cho cá, thời gian nuôi ngắn hơn, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và đó cũng là niềm vui của những người nuôi trồng thủy sản".

Công nghệ Biofloc được coi là một trong những công nghệ mới, mang tính đột phá trong nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá rô phi nói riêng. Dựa trên nguyên lý bổ sung nguồn cacbon theo một tỷ lệ phù hợp với lượng nitơ sẵn có trong nước ao để làm thức ăn cho vi sinh vật dị dưỡng có trong ao, tạo điều kiện cho nhóm này phát triển chiếm ưu thế trong ao. Vi sinh vật dị dưỡng sẽ chuyển hóa các hợp chất chứa nitơ trong nước ao thành protein trong sinh khối, nhờ đó tái sử dụng được nguồn nitơ từ chất thải hòa tan trong nước ao và chuyển hóa thành sinh khối thức ăn tự nhiên cho cá nuôi, làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn nuôi cá. Do đó, việc ứng dụng công nghệ Biofloc sẽ làm giảm chi phí thức ăn nuôi cá và được coi là giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản ở quy mô công nghiệp. Nguồn cacbon bổ sung vào ao nuôi 3-5 ngày là rỉ đường có hàm lượng cacbon chiếm 37,5%, được dùng để điều chỉnh tỷ lệ cacbon/nitơ trong ao nhằm tạo môi trường thuận lợi cho Biofloc phát triển và hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc là giải pháp cho phép các chất thải hữu cơ và quần thể vi sinh vật tồn tại trong ao nuôi thông qua quá trình xáo trộn nước và sục khí để duy trì sự hiện diện của các hạt floc, chất lượng nước được đảm bảo, đồng thời Biofloc làm thức ăn bổ sung tại chỗ cho cá nuôi. Biofloc có chất lượng dinh dưỡng cao trở thành thức ăn cho cá, do đó có thể tăng năng suất nuôi và giảm hệ số thức ăn.

Bà Trần Thị Oanh, Trưởng phòng khuyến ngư - Trung tâm khuyến nông, chủ nhiệm dự án cho biết, đây là năm đầu tiên Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang thực hiện Dự án liên kết nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đạt được giúp người chăn nuôi thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực như giảm chi phí thức ăn, hóa chất, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mô hình cho hiệu quả kinh tế cao nên được nhiều người nuôi thủy sản tham quan học tập. Đặc biệt, bà con nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Tân Yên và huyện Hiệp Hòa đến học tập mô hình và áp dụng làm theo, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Được biết, toàn bộ sản phẩm của mô hình được ký hợp đồng bao tiêu để cung cấp cho một số bếp ăn tập thể của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/