Anh Lâm Văn Học, cán bộ khuyến nông xã Sơn Hải thăm đàn ong của gia đình anh Vương

Sơn Hải là một trong 5 xã vùng lòng hồ Cấm Sơn. Hồ được bao quanh bởi những ngọn núi trùng điệp, rợp bóng cây xanh. Cư dân sống gần hồ là đồng bào dân tộc Nùng, Tày. Nơi đây có nhiều điều kiện để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhiều hộ gia đình cũng từ đó mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Điển hình là hộ anh Vi Văn Vương ở thôn Tam Chẽ, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn ban đầu, nuôi thử nghiệm 30 đàn ong nhưng do thiếu kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn. Không nản chí, năm 2018, anh Vương học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, qua sách, báo, dần dần nhân rộng đàn ong. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn ong mật của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 3 năm vừa nuôi và nhân giống, đàn ong mật của gia đình tăng lên 70 đàn, trung bình một năm thu được hàng trăm lít mật ong, với giá bán tùy thuộc theo mùa. Vào mùa hè giá bán buôn 150.000 đồng/lít, mùa đông được giá hơn từ 180.000- 200.000 đồng/lít, bán lẻ 250.000 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, anh Vương bán được 200 lít mật thu về trên 35 triệu đồng.

Anh Vương chia sẻ, nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ. Người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn; các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật; cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào.

Để đàn ong sinh trưởng phát triển khỏe mạnh cần thường xuyên vệ sinh thùng, gỗ đóng thùng nên chọn gỗ không có mùi. Mùa đông cần che chắn cẩn thận, không để ong bị lạnh, không để mưa ngấm vào thùng. Mỗi thùng để khoảng 3- 4 cầu ong, mùa xuân mật hoa nhiều hơn thì để 6 cầu ong. Điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi ong là chọn ong chúa. Bởi ong chúa khỏe mạnh thì đàn ong và những lứa sau sẽ khỏe mạnh, cho lượng mật nhiều. Tiếp theo là nguồn phấn hoa, các loại hoa nhãn, hoa vải và các loại hoa rừng sẽ cho chất lượng mật tốt… Nhờ đó, chất lượng mật ong của anh Vương luôn được nhiều người tin dùng, mua làm quà biếu, bán tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Cùng thôn Tam Chẽ, bác Trần Văn Học có kinh nghiệm nuôi ong lâu năm cho biết, nuôi ong không khó, vốn đầu tư không nhiều, năm đầu tiên phải bỏ chút vốn ra để làm thùng nuôi, những năm sau thì chỉ bỏ công. Nhưng nuôi ong cần phải tỷ mỉ, đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, nhẫn lại, tâm huyết với nghề. Có những lúc đàn ong hỗn loạn cần có mặt ở đó, để không cho chúng cắn nhau, cắn quân. Bên cạnh việc chăm sóc thì chống bệnh cho ong cũng rất quan trọng. Do đàn ong sống trong một quần thể lớn, bay rất nhiều nơi để kiếm phấn hoa nên khả năng nhiễm và lây lan bệnh rất cao nên người nuôi cần để ý và quan sát đàn.

Theo kinh nghiệm của người dân ở Sơn Hải, chất lượng mật ong tùy thuộc vào thời gian khai thác mật. Mùa khai thác mật đạt hiệu quả cao nhất, chất lượng mật ngon nhất là tháng 3-4 âm lịch hàng năm lúc đó hoa rừng nở rộ nhất khắp nơi. Đến tháng 11 có mật đông chí nhưng hơi đắng bởi ong hút mật hoa thập cẩm, các tháng còn lại khai thác được ít hơn bởi qua vụ hè thu hoa rừng ít. Sản lượng khai thác mật tùy theo lượng đàn, đàn khỏe khai thác được nhiều mật hơn, đàn yếu hoặc đàn ong bị bệnh, ốm lười đi làm thì không có mật.

Anh Lâm Văn Học, cán bộ khuyến nông xã Sơn Hải cho biết, Sơn Hải là xã vùng cao thuộc diện xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Hàng năm, các cấp, ngành tạo mọi điều kiện để bà con nơi đây được tiếp cận các mô hình, tiến bộ khoa học kỹ thuật để họ có thể thoát nghèo vươn lên làm giàu tại chính mảnh đất quê hương. Được biết, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện và UBND xã Sơn Hải triển khai mô hình nuôi ong nội theo hướng VietGAPH nâng cao chất lượng mật ong. Hiện trên địa bàn toàn xã có khoảng 80 hộ nuôi ong lấy mật, với quy mô khoảng 330 đàn, đây là nghề mang lại thu nhập chính cho bà con nơi đây.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/