Nuôi các đối tượng cá truyền thống đem lại thu nhập cao cho gia đình chị Nguyên

Lần theo con đường bê tông uốn lượn của thôn Thuận, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, chúng tôi tìm đến trại nuôi trồng thủy sản của chị Nguyễn Thị Nguyên, được đánh giá là một trong những hộ nuôi thủy sản quy mô lớn của xã Tân Thanh.

Chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp của gia đình chị Nguyên cho biết, gia đình đã nuôi thủy sản khoàng 6 năm nay. Ban đầu, đấu thầu khu đất này, ngoài nuôi cá thì gia đình còn nuôi vịt kết hợp với trồng cây ăn quả. Trước đây, gia đình cũng không chú trọng đầu tư vào các đối tượng chăn nuôi, nguồn lực bị phân tán, hiệu quả kinh tế từ trang trại là rất thấp. Qua tìm hiểu các thông tin trên mạng, thăm các mô hình sản xuất và thông qua các lớp tập huấn của cơ quan chuyên môn nên gia đình chị quyết định đầu tư vào nuôi các loại cá truyền thống. Đến nay, mô hình thực sự đã đem lại hiệu quả tương đối cao.

Với 13.000m2 mặt nước nuôi trồng thủy sản, khu trang trại nuôi cá của chị Nguyễn Thị Nguyên cho thu hoạch khoảng 20 tấn cá với doanh thu 500 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi khoảng 250 triệu đồng/năm. Đối tượng  chủ yếu là cá truyền thống như rô phi, mè, trắm, chép, cá chim những loài cá này thường rễ nuôi và rễ bán.

Nuôi cá truyền thống khá đơn giản, không phải bỏ ra quá nhiều công để chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nguồn thức ăn cho cá rất dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, cám, bột các loại nên chi phí đầu tư thấp; ngày cho ăn từ 1 đến 2 lần nên không mất nhiều thời gian. Để áp dụng thành công mô hình này, các hộ nuôi thủy sản cần tuân thủ đúng quy trình xử lý môi trường ao nuôi. Trước hết, khâu tẩy dọn theo các bước: Tát cạn, vét bớt bùn, rắc vôi, phơi ao, bón lót cho ao phân chuồng hoai mục và phân xanh rồi mới cho nước vào. Nước cấp vào ao cần được lọc qua lưới để loại trừ các loài cá tạp lọt vào cũng như giữ cho nguồn nước không bị ô nhiễm; phải thường xuyên vớt các phần thức ăn dư thừa hằng ngày để giữ sạch cho nước. Khi có biểu hiện không tốt về môi trường cần kịp thời xử lý bằng vôi bột hoặc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học.

Chị Nguyên cho biết những năm trước gia đình thường nuôi cá bằng cám công nghiệp, giá cả thị trường không ổn định nên nuôi cá chỉ hòa không có lãi. Từ 2018 đến nay, gia đình tận dụng nguồn ngô có sẵn và mua thêm để cho cá ăn. So sánh thấy nếu cho cá ăn cám công nghiệp một năm chi phí hết khoảng 200 triệu đồng tiền thức ăn, còn cho ăn bằng ngô say và các loại thức ăn tự chế biến mỗi năm hết khoảng 180 triệu đồng. Ngô say được chị nấu (bung) nở rồi mới cho cá ăn. Sản lượng cá không giảm nhiều so với cho ăn cám công nghiệp nhưng chất lương thịt cá khi cho ăn ngô thì ngon, thơm, rễ bán hơn.

Với kinh nghiệm trong nuôi cá truyền thống, mô hình của gia đình chị Nguyễn Thị Nguyên là địa chỉ tin cậy để các hộ nuôi trồng thủy sản trong xã và các xã khác trong huyện đến tham quan học tập. Chị cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các hộ chăn nuôi, nuôi thủy sản trong và ngoài xã.

Chị Đặng Thị Sâm cán bộ nông nghiệp xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang cho biết xã Tân Thanh có diện tích mặt nước nuôi thủy sản tương đối lớn khoảng 30 ha, có rất nhiều hộ nuôi thủy sản thành công, điển hình như hộ gia đình Chị Nguyên. Bằng sự quyết tâm, nghị lực, cần cù, sáng tạo trong sản xuất, mô hình nuôi cá truyền thống gia đình chị Nguyên đã được nhiều người đến học hỏi và làm theo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/