Bà Nguyễn Thị Hòa đang thu hái chè

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tạo động lực cho người sản xuất, góp phần tăng thu nhập, tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân là mục tiêu phát triển nông nghiệp mà huyện Việt Yên trú trọng, quan tâm. Mô hình trồng chè đầu tiên của huyện là một ví dụ điển hình cho thấy sự hiệu quả từ sự chuyển đổi đó.

Đến thăm mô hình trồng chè đầu tiên của gia đình bà Nguyễn Thị Hòa ở thôn Thượng, xã Thượng Lan để cảm nhận nỗ lực của gia đình khi mạnh dạn chuyển đổi khu ruộng mà trước kia gia đình trồng ngô, sắn, kim tiền thảo ... nhưng đều đem lại hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2009, gia đình bà Hòa đã đưa giống chè từ nơi khác về trồng tại đây đã đem lại nhiều thành công và hiệu quả. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ người bạn bà Nguyễn Thị Hòa đã mạnh dạn đưa giống chè Kim Tuyên, Thanh Tâm ô long và giống chè 777 có nguồn gốc Tân Cương, Thái Nguyên về trồng. Phát huy lợi thế đất đai cùng với sự tâm huyết, cây chè đã dần phát triển. Hiện bà Hòa đã mở rộng diện tích lên gần 2 ha. Giờ đây cây chè đã giúp gia đình bà hòa có nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết, cây chè thu hoạch từ tháng riêng đến tháng 11 âm lịch hàng năm, sau đó đốn cây, chăm sóc để chuẩn bị cho vụ chè tiếp theo. Chè thu hái vào mùa xuân là đạt năng suất nhưng vào mùa thu thì chất lượng là ngon hơn cả. Mùa xuân mỗi lứa thu hái được 80 kg chè khô, mùa hè và thu thì sản lượng ít hơn và cứ 10 ngày lại được thu hái một lần. Một năm trung bình thu được khoảng 01 tấn chè khô. Với giá bán buôn 170.000 đồng/kg, bán lẻ 250.000 đồng/kg, đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng khi đã trừ mọi chi phí và cao hơn gấp nhiều lần so với những loại cây trồng trước kia.

Với phương pháp chăm sóc không quá cầu kỳ bà Hòa không dùng phân bón hóa học mà chủ yếu dùng phân bón hữu cơ và cây chè rất hợp với phân chim bồ câu; không phun thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng ngon, sạch sẽ, được người dân trong và ngoài huyện tin dùng. Chè sau khi thu hoạch được phân loại và chế biến ngay. Chè được vò, làm khô theo phương pháp xấy, xao bằng máy để màu và mùi vị không biến đổi. Thời gian gần đây gia đình bà còn sản xuất thành công bột trà matcha. Dù là sản phẩm mới nhưng được nhiều người ưa chuộng. Các thương lái, khách hàng đến tận nhà thu mua.

Anh Nguyễn Văn Việt, cán bộ khuyến nông xã Thượng Lan, huyện Việt Yên cho biết, mô hình chè của gia đình bà Nguyễn Thị Hòa là mô hình điển hình trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, huyện. Để những mô hình như thế này được nhận rộng, ngành Nông nghiệp của xã, huyện đã tích cực tuyên truyền cùng với đó tham mưu cho huyện có những chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân yên tâm sản xuất và nâng cao chất sản phẩm trên thị trường. Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là động lực cho người sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập mà còn đảm bảo khai thác, tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/