Cây sim phù hợp với những diện tích gò đồi cằm cỗi

Nhằm đa dạng hóa cây trồng trên vùng đất gò đồi, cằn cỗi, hai năm trở lại đây anh Nguyễn Văn Thọ ở thôn Trong, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng sim lấy quả. Đến nay, mô hình đang cho thu hoạch vụ quả đầu tiên, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.

Nhận thấy cây sim phù hợp với điều kiện đất đai vùng đồi, anh Nguyễn Văn Thọ đã quyết định đầu tư trồng 12.000 cây sim rừng trên diện tích khoảng 1,5 ha. Qua quá trình chăm sóc, anh Thọ nhận thấy, cây sim là loại cây sống ở đất cằn cỗi, chịu được thời tiết khắc nghiệt và thích hợp trồng ở nơi có nhiều ánh sáng. Đặc điểm của sim là trồng càng lâu thì cành càng phát triển, cho quả nhiều. Đến lúc cây già cỗi, quả ít thì cắt nhánh, sim sẽ vươn chồi và sau đó cho quả nhiều trở lại.

Khác với ngoài tự nhiên, cây sim được gia đình anh Thọ chăm sóc, phát quang cỏ dại, bón phân nên sinh trưởng và phát triển nhanh. Hiện, vườn sim có những cây chiều cao gần một mét, tỏa tán rộng khoảng khoảng 2m2 và cho hoa và kết trái. Hiện, mỗi ngày gia đình thu hái 10 - 20 kg, với giá quả sim chín dao động từ 30- 40 nghìn đồng/1kg, gia đình đã thu về 10 triệu đồng. Cây vẫn đang cho thu hoạch quả và có thể thu hoạch kéo dài trong khoảng 30 ngày. Thu hái đến đâu có khách hàng mua hết đến đó, nhiều lúc không đủ quả cung cấp cho thị trường.

Ông Lê Văn Sỹ- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Nam nhận xét, mô hình trồng sim lấy quả ở xã Đông Phú, bước đầu cho kết quả, đem lại triển vọng cho người dân có thể tận dụng vùng đất gò đồi cằn cỗi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần có chủ trương, định hướng phát triển mô hình một cách bền vững, tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhằm tạo thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm. 

Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/