Những năm gần đây, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy diện mạo ngành nông nghiệp của huyện ngày càng khởi sắc, thu nhập của người nông dân từng bước được nâng cao.

Ảnh minh họa: BGP/Nguyễn Miền

Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội; đến nay, huyện Yên Dũng đã quy hoạch được 04 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với trên 50 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiêu biểu là: Vùng xản xuất rau an toàn tại xã Tiến Dũng, quy mô 100 ha; vùng sản xuất nông nghiệp liên xã Cảnh Thụy - Tư Mại quy mô 100 ha; vùng sản xuất xã Đức Giang quy mô 100 ha và vùng sản xuất nông nghiệp liên xã Đồng Việt - Đồng Phúc quy mô 100 ha.

Những mô hình sản xuất công nghệ cao đã giúp các địa phương trong huyện nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất, trung bình tăng từ 30% - 100% (tùy loại cây con) so với sản xuất truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đặc biệt, vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm được giải quyết hiệu quả, nhờ được cung cấp cho hệ thống siêu thị VinEco (thuộc Tập đoàn Vingruop), BigC; các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh... Hằng năm, tổng diện tích duy trì sản xuất cây rau màu ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đạt trên 2.400 ha, doanh thu đạt từ 0,8 - 1,5 tỷ đồng/năm.

Huyện cũng đã xây dựng và phát triển 5 nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện gồm: Gạo thơm Yên Dũng, Luvacoop, tương Trí Yên, rau sạch Yên Dũng, khoai tây Sao thần nông.

Trong năm 2021, huyện tiếp tục xây dựng thêm 4 nhãn hiệu tập thể đó là: Khoai tây Yên Dũng, HD Coop, Lotus farm, Trà Hoa cúc Minh khang tâm.

Nhằm hỗ trợ các đơn vị, Hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, UBND huyện Yên Dũng đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, cứng hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, đường điện phục vụ sản xuất; hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình…

Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang từng bước phát triển toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với ứng dụng công nghệ cao và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho người dân./.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/