Tân Yên tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, phát triển sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Tân Yên là huyện đứng ở top đầu của tỉnh về phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn và gia cầm. Chăn nuôi của huyện ngày càng phát triển, tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng và giá trị sản xuất, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện gần 170 nghìn con, đàn gia cầm gần 2.500 nghìn con, đàn bò 21.600 con, đàn trâu khoảng 3.500 con. Bên cạnh đó, huyện xây dựng và phát triển một số mô hình chăn nuôi mới như dê, bồ câu, trong đó đàn dê trên 3.000 con, bồ câu hơn 5 vạn con. Phương thức chăn nuôi có sự chuyển biến mạnh mẽ từ chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung, quy mô lớn công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng phát triển. Đến nay, toàn huyện có 16 trang trại lợn, 10 trang trại chăn nuôi gia cầm bố mẹ được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh…

Trước tình hình các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm... luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chăn nuôi, UBND huyện Tân Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi địa phương. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường; hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn; bố trí vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Trong vụ Xuân Hè cấp phát 181.000 liều vắc xin cúm gia cầm cho các xã, thị trấn có tổng đàn gia cầm lớn, trong vùng có nguy cơ bùng phát dịch; 4.500 lít hóa chất, 550 bộ bảo hộ phòng, chống dịch cho các xã thực hiện khử trùng, tiêu độc.

Kết quả, toàn huyện tổ chức tiêm phòng được 4.935 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, vắc xin tai xanh 5.540 liều đạt 100% kế hoạch, vắc xin Cúm gia cầm 250.000 liều đạt 100% kế hoạch, vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò 7.000 liều đạt 100% kế hoạch, vắc xin dại 29.000 liều đạt 100% kế hoạch. Trong tháng 8/2021 cấp phát 700 lít hóa chất cho các xã, thị trấn thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch. Nhờ tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa đồng bộ, trong đó thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin và tiêu độc, khử trùng nên đến nay đàn vật nuôi phát triển ổn định, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn.

Để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển ổn định, huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. UBND huyện triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu đông đến UBND các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Theo đó, đối với đàn trâu bò tiêm bắt buộc vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng. Đàn lợn tiêm phòng bắt buộc vắc xin Dịch tả lợn, Tai xanh, Tụ huyết trùng; các loại vắc xin Đóng dấu, Phó thương hàn, suyễn, ecoli...tiêm theo tình hình dịch bệnh cụ thể từng địa phương. Đối với các cơ sở sản xuất con giống, ngoài việc tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin trên, cần tiêm bắt buộc vắc xin Lepto, Lở mồm long móng. Dự kiến từ ngày 04/10 đến 22/10/2021 tiến hành tiêm phòng đồng loạt vắc xin cho đàn đàn trâu, bò và lợn. Sau đợt tiêm phòng tập trung, tổ chức tiêm phòng bổ sung thường xuyên để đảm bảo số lượng đàn vật nuôi được tiêm phòng đầy đủ theo quy định.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi trong thời điểm giao mùa như thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo thức ăn để vật nuôi có đủ sức đề kháng, có nguồn thức ăn dự trữ, chấp hành đúng việc phun hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh... Thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn vật nuôi để phát hiện sớm trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, từ đó được tư vấn điều trị kịp thời, tránh lây lan, bùng phát thành dịch gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/