Bắc Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh kỳ thú, với những cánh rừng nguyên sinh, nơi có hệ sinh thái phong phú, đa dạng từ đó có điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch “xanh”. Du lịch “xanh” với các tiêu chí về bảo vệ môi trường thiên nhiên, gắn với hoạt động khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa, mang lại sinh kế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương là hướng đi mới cần chú trọng.

Nơi đồng bào Cao Lan tại thôn Đèo Gia tổ chức các lễ cúng truyền thống.

Điểm đến Đèo Gia

Cách thị trấn Chũ khoảng 20 km, khu rừng tự nhiên Thó (thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn), nơi phân bố loài lim xanh, được đánh giá là một trong số rất ít cánh rừng tự nhiên có quần thể cây lim xanh cổ thụ quý hiếm, hiện còn sót lại tại vùng rừng núi Bắc Giang nói riêng và phía Bắc Việt Nam nói chung.

Khu rừng có diện tích khoảng 2 ha, có hàng chục cây lim xanh cổ thụ phân bố. Có những gốc cây sừng sững hai người lớn ôm không xuể, có chiều cao vút ngọn từ 25 - 30 m. Ngoài lim xanh, trong khu rừng này còn có một số cây thân gỗ to khác như sến, táu, dẻ... Đây là rừng tự nhiên khá đặc trưng của vùng Đông Bắc Việt Nam. Cây dây leo mọc chằng chịt trên các thân cây gỗ lớn, chúng quấn lấy thân cây to mà vươn lên. Cây bụi, thảm thực vật phủ dầy cả lối đi.

Dưới tán rừng rậm rạp, du khách sẽ nghe thấy tiếng chim hót, tiếng côn trùng kêu, tạo nên một bản hợp âm du dương làm cho khu rừng thêm sinh động, lay động lòng người tới thăm.

Đi sâu vào rừng lim xanh, không gian hoang sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ như ở chốn rừng thiêng sâu thẳm. Với khung cảnh thơ mộng của núi rừng nơi đây, bao nhiêu mệt mỏi sẽ tan biến hết, trong lòng ta lại dấy lên niềm vui và tình yêu cuộc sống.

“Theo gia phả của dòng họ, tôi là đời thứ 6 sống ở thôn Đèo Gia. Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy rừng lim xanh cổ thụ này. Theo các cụ cao niên trong thôn, mới khi thành lập thôn Đèo Gia, chỉ có 12 gia đình, với vài chục nhân khẩu, đều là người dân tộc Cao Lan. Khu rừng Thó này, nhờ có vị trí, phong thủy đẹp nên các cụ đã chọn là nơi thờ cúng thần linh, thổ công và gia tiên của các dòng họ trong làng. Trải qua nhiều đời, khu rừng trở thành linh thiêng, được dân làng bảo vệ nghiêm ngặt, không ai chặt phá, hay lấy gỗ về làm nhà. Nhờ vậy, cách rừng ngày một xanh tốt, những cây lim xanh mới được to lớn như ngày hôm nay”, ông Chung Văn Thảo (76 tuổi, người có uy tín trong thôn Đèo Gia) cho biết.

Cũng theo ông Thảo, hiện Thôn Đèo Gia có trên 300 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây rất coi trọng đến việc cúng thần linh, thổ công ở khu rừng linh thiêng này. Hằng năm, có 03 ngày đại lễ quan trọng được tổ chức cúng tại đây, đó là lễ khai xuân vào ngày mùng 02/01, lễ đầu năm vào 02/02 và lễ cầu mưa vào ngày mùng 02/6 Âm lịch.

Theo đó, cả 03 lễ cúng trên đều có một quy định chung, vào các ngày làm lễ cúng, mỗi gia đình đều phải góp với làng vài lạng thịt lợn hoặc thịt gà đã luộc chín và nửa lít rượu trắng. Mỗi gia đình cử một người đại diện, tập chung lên khu rừng thiêng của làng để làm lễ cúng. Khi đi, mỗi người mang theo 01 cái bát và 01 đôi đũa. Nơi làm lễ cúng là trung tâm của khu rừng thiêng. Dưới tán rừng tương đối bằng phẳng, được dọn dẹp cây bụi, thảm tươi. Thầy cúng mặc trang phục của đồng bào dân tộc Cao Lan. Nghi lễ cúng có tới 23 ban lễ; mỗi ban lễ gồm 01 con gà luộc, 01 bát cơm và một chén rượu.

Bắt đầu lễ cúng là 23 con gà còn sống. Sau chừng 01 giờ, được thầy cúng làm lễ mới được mang gà đi cắt tiết. Tiết gà được bôi vào tiền vàng đặc trưng của đồng bào Cao Lan để cúng tiếp. Sau khi gà đã được luộc chín mang lên ban, tiếp tục cúng, chừng gần 02 giờ sau mới xong buổi lễ. Sau khi cúng, cả làng sẽ cùng thụ lộc dưới tán rừng thiêng.

“Vào các ngày đại lễ, đồng bào dân tộc Cao Lan chúng tôi lên khu rừng thiêng này làm lễ cúng Thổ Công, các vị thần linh, cùng gia tiên của các dòng họ sinh sống nhiều đời nay tại thôn Đèo Gia. Họ cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc, may mắn, bình an và cùng nhau tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên đã khai khoang, lập làng để con cháu có được như ngày hôm nay”, ông Tống Văn Việt, Bí thư Chi bộ thôn Đèo Gia nói.

Khu rừng Thó, nơi phân bố quần thể lim xanh cổ thụ.

Đã hằng trăm năm qua, với người dân thôn Đèo Gia, khu rừng Thó với những cây lim xanh cổ thụ quý hiếm là “báu vật” gia truyền của dân làng. Họ cùng nhau bảo vệ, gìn giữ từ đời này sang đời khác, là niềm tự hào tôn kính, không chỉ có nét đẹp về cảnh quan môi trường, cảnh quan thiên nhiên mà còn là nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây.

Đánh thức tiềm năng

Hiện nay, con đường độc đạo uốn lượn như một dải lụa mềm qua nhiều sườn đồi, với những vườn cây ăn quả ngút ngàn từ thị trấn Chũ vào thôn Đèo Gia không còn là đường đất lô nhô, cheo leo, mùa mưa xe trơn trượt bánh khó khăn như xưa nữa, mà đã được trải nhựa và bê tông hóa rộng rãi và sạch sẽ. Hai bên đường, thấp thoáng trong những triền núi không còn những ngôi nhà tranh cũ kỹ nhuộm màu thời gian, mà thay vào đó là những ngôi nhà ngói, nhà mái bằng khang trang, đem lại sinh khí mới cho miền quê vùng cao của huyện Lục Ngạn.

Du khách Nguyễn Đức Chiến (Phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tới huyện Lục Ngạn, sau khi tham quan các vùng trồng cây ăn quả, tôi được các bạn đưa đến thăm khu rừng tự nhiên Thó (thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia). Tôi ngỡ ngàng, bởi từ trước tôi vẫn nghĩ Lục Ngạn chỉ có vải thiều và những vườn cây ăn quả, nhưng giờ mới biết, nơi đây còn có khu rừng nguyên sinh phân bố quần thể loài lim xanh quý hiếm, cổ thụ. Tôi đã đến nhiều Vườn Quốc gia, cũng như Khu Bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam, nhưng cánh rừng tự nhiên có quần thể loài cây lim xanh cổ thụ quý hiếm, được bảo vệ tốt, còn nguyên sinh như ở thôn Đèo Gia là rất hiếm. Việc phát triển du lịch sinh thái, gắn với du lịch cộng đồng là một lợi thế lớn của Lục Ngạn, không hề kém các địa phương khác, thậm chí còn hấp dẫn hơn bởi sự hoang sơ, mộc mạc, những sản phẩm đặc thù, với các món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Cao Lan”.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Lục Ngạn nay đã trở thành “miệt vườn” của miền Bắc với Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng được tổ chức hằng năm, thu hút lượng khách rất lớn đến tham quan các vùng trồng cây ăn quả đặc sản như vải thiều, cam, bưởi, ổi... Đó là cách phát huy tiềm năng, thế mạnh để tạo những sản phẩm đặc thù.

Cùng với đó, đồng thời phát triển du lịch sinh thái, với các tiêu chí về bảo vệ môi trường thiên nhiên, gắn với hoạt động khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa, mang lại nguồn sinh kế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đó là cách phát triển du lịch “xanh” bền vững tại huyện Lục Ngạn.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/