(BGĐT) - Nhằm tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều, ngoài thị trường truyền thống, Bắc Giang luôn nỗ lực đưa sản phẩm vào thị trường cao cấp, khó tính, trong đó có các nước: Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)...

Xã Quý Sơn (Lục Ngạn) có hơn 2,1 nghìn ha vải thiều, sản lượng khoảng 15 nghìn tấn/năm. Vụ này xã có 6 mã vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và EU, tổng diện tích 40 ha với 40 hộ tham gia. Mới sáng sớm nhưng chị Đặng Thị Khuynh, cán bộ khuyến nông xã Quý Sơn đã xuống nhóm hộ sản xuất vải xuất khẩu tại thôn Đồng Giao để hướng dẫn bà con chăm sóc. 

Theo chị Khuynh, để sản phẩm có thể xuất được sang Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc do cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Cán bộ khuyến nông xã lập nhóm Zalo với các nhóm hộ chỉ đạo thực hiện việc chăm sóc, bón phân, tưới dưỡng… nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, chinh phục các thị trường cao cấp. 

Để vải có chất lượng tốt, năm nay huyện Lục Ngạn hỗ trợ các hộ tham gia trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU 50% giá thuốc BVTV; tỉnh hỗ trợ kỹ thuật và chi phí quản lý, cấp mã số vùng trồng mới. Khảo sát cho thấy, những trà vải thuộc các mã vùng trồng ở các xã: Thanh Hải, Tân Sơn (Lục Ngạn), Phúc Hoà (Tân Yên) cũng được người dân chăm sóc rất tốt. 

Nhờ đó, ngay cuối tháng 4, Công ty cổ phần Miền đất nông nghiệp Việt - Pháp đã ký kết thỏa thuận thu mua với nhóm hộ thuộc mã vùng trồng ở các xã này để xuất khẩu sang EU. Tổng sản lượng khoảng 200 tấn với giá thu mua 35 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 5-10 nghìn đồng/kg so với giá thu mua vải xuất khẩu năm 2021. 

Bà Nguyễn Thu Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Miền đất nông nghiệp Việt - Pháp nhận định, muốn vải thiều xuất khẩu vào được bất cứ thị trường nào, trước tiên người dân phải có vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Do vậy, bà con cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, đó là chỉ sản xuất vải sạch, an toàn.  

Đáp ứng yêu cầu về hàng rào kỹ thuật của những quốc gia này đối với nông sản xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập tổ chỉ đạo sản xuất vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU. Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên rà soát tất cả mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ tiêu thụ vải, đồng thời hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân. 

Để sản phẩm tiếp cận, xuất khẩu thành công vào thị trường khó tính, Bắc Giang đổi mới xúc tiến thương mại. Trước mắt, tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại xuất khẩu vải sang thị trường Mỹ. Sở đã mời các DN Mỹ trực tiếp đến Bắc Giang khảo sát, ký kết tiêu thụ. Qua đó, Hiệp hội DN người Việt ở Mỹ đã đề xuất một số giải pháp đưa vải thiều với sản lượng ngày càng lớn vào thị trường này; đồng thời kết nối với các DN Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và DN trong nước để xúc tiến, tăng sản lượng xuất khẩu. 

Sở Công Thương đã làm việc với thương vụ một số nước, như: Italy, Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan để mở rộng thị trường. Vừa qua, Sở Công Thương chủ động đề xuất với UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT làm việc với các nước đã ký các hiệp định thương mại với Việt Nam để xuất khẩu vải thiều chính ngạch sang thị trường các nước, đặc biệt là EU.   

Với sự chuẩn bị chu đáo từ khâu sản xuất đến quảng bá, xúc tiến thương mại, năm nay vải thiều Bắc Giang hứa hẹn sẽ chinh phục nhiều thị trường “khó tính”, người dân có thêm một mùa vải bội thu.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/