Từ sự năng động, mạnh dạn cùng quyết tâm làm giàu, vợ chồng anh Nguyễn Công Minh và chị Hà Thị Hải ở thôn Nghĩa Xuân, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã xây dựng thành công mô hình trang trại nuôi thủy sản, đem lại doanh thu mỗi năm từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng.
 
  Gia đình anh Minh có khoảng 1 ha nuôi cá, trong đó chia thành ao nuôi cá giống và ao nuôi cá thương phẩm riêng biệt. Chủng loại cá nuôi gồm: Cá rô phi đơn tính khoảng 70%, chép lai 20% và mè lai 10%. Trung bình mỗi năm sản lượng cá anh Minh thu từ 15-17 tấn, trừ chi phí lãi khoảng 100-120 triệu đồng/năm.
 
 Nhưng thành công và hiệu quả kinh tế cao hơn là mô hình nuôi đặc sản ba ba gai giống. Tổng số ba ba bố mẹ của gia đình anh hiện có khoảng 70 con, trong đó khoảng 20 con đực với 3 ao nuôi được anh Minh xây bờ bao vững chắc và quy hoạch tập trung. Anh Minh cho biết, ưu điểm của ba ba gai là ít bệnh, dễ nuôi, thức ăn phong phú chủ yếu là cá tươi và ốc bươu vàng, có thể tận dụng ở địa phương sẵn có hoặc mua trên thị trường với chi phí thấp.
 
 "Tuy nhiên, phải có kỹ năng quan sát tốt, hiểu được tập tính của loài thì ba ba mới nhanh lớn và tỷ lệ thất thoát đàn thấp, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc trong mùa sinh sản cần bổ sung nhiều thức ăn có hàm lượng khoáng chất và vitamin cho đàn ba ba bố mẹ” – anh Minh chia sẻ.
 
Anh Minh giới thiệu mô hình nuôi ba ba.
 
 Với 9 năm gắn bó với con ba ba, tiếp xúc với nhiều giống loài khác nhau, qua học tập, trao đổi kỹ thuật với cán bộ khuyến nông và tham quan mô hình ở nhiều tỉnh bạn đã giúp anh Minh tích lũy nhiều kiến thức khoa học, kinh nghiệm thực tế. Nhờ vậy mà ba ba gai giống của gia đình anh Minh có tỷ lệ sống luôn đạt hơn 95%. Trung bình mỗi năm đàn ba ba bố mẹ của gia đình anh sản xuất từ 1.000-1.200 con giống, phục vụ nhu cầu chăn nuôi của bà con trong và ngoài tỉnh.
 
 Cơ duyên anh Minh biết đến con ba ba từ những năm 1995, khi đó anh lựa chọn giống ba ba Sông Hồng, ba ba lai xanh Thái Lan và ba ba trơn Bắc Bộ, sau 5 năm nuôi thấy hiệu quả kinh tế không cao và tỷ lệ thất thoát đàn lớn, anh Minh chuyển sang nuôi ba ba gai và bắt đầu sản xuất giống từ đối tượng này. Đàn ba ba gai bố mẹ được anh Minh, chị Hải mua từ tỉnh Sơn La với tổng đàn 100 con.
 
 Qua thời gian, tổng đàn có sự thanh lọc, thất thoát còn khoảng 30 con. Đối với ba ba gai, khó khăn lớn nhất là giá giống cao, có thời điểm con giống lên tới gần 900 nghìn đồng/con, nhưng đem lại doanh thu cho gia đình Minh lên gần 1 tỷ đồng (năm 2009 và 2010). Tuy nhiên, thời điểm năm 2013 thì giá giống chỉ 220 nghìn đồng/con. Song tính về hiệu quả kinh tế thì ba ba gai vẫn đứng đầu – anh Minh khẳng định. Vì vậy, trong thời gian tới anh Minh, chị Hải sẽ mở rộng thêm một ao nuôi ba ba thương phẩm, đồng thời quy hoạch lại khu nuôi cá thành ao cá bố mẹ, ao ương cá giống và ao nuôi cá thương phẩm riêng biệt.
 
 http://baobacgiang.com.vn