Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi đang được cả thế giới và trong nước rất quan tâm, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề nhất là khu vực nông thôn do chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh và các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi chưa được áp dụng triệt để.
 
tại các trang trại chăn nuôi gia cầm, ô nhiễm môi trường đang ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là môi trường không khí. Mùi và bụi sinh ra trong quá trình chăn nuôi gia cầm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sức khỏe cộng đồng, các khí ô nhiễm sinh ra trong quá trình chăn nuôi đều xả thải tự do vào không khí xung quanh. Theo đánh giá của người dân, từ thời điểm đàn gà từ 30 ngày tuổi trở lên, mùi và bụi từ các trang trại chăn nuôi sinh ra rất lớn. Mùi hôi thối có thể cảm nhận ở các vị trí xa trang trại 200 – 300m. Nồng độ các khí độc như NH3, H2S và bụi tăng dần theo thời gian sinh trưởng của đàn gia cầm và cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn không khí cho môi trường xung quanh.
 
Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cong người, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tăng tỉ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao.
 
Vì thế, việc thử nghiệm thành công mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà sẽ góp phần giải quyết được một lượng lớn các chất ô nhiễm và giảm đáng kể mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi, nâng cao chất lượng môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng hiệu quả kinh tế trongchăn nuôi.
 
Phương pháp chăn nuôi trên đệm lót lên men là phương pháp nuôi dưỡng vật nuôi trên độn lót chuồng có chứa một quần thể các vi sinh vật có thể tồn tại cùng nhau lâu dài trong độn lót, có khả năng phân giải mạnh chất hữu cơ và ức chế các vi sinh vất có hại và gây bệnh nên có tác dụng lên men tiêu hủy phân, nước tiểu làm giảm các khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm, ít ruồi muỗi và vi sinh vật gây hại, do đó con vật sống thoải mái, giảm căng thẳng, tăng sinh trưởng và có sức đề kháng cao. Do nuôi trên đệm lót lên men, phân và nước tiểu hầu như bị tiêu hủy nên người ta còn gọi là phương pháp chăn nuôi không chất thải. Độn lót lên men đã tạo ra một môi trường mà ở đó động vật nuôi có thể khôi phục bản năng sống tự nhiên của chúng là được tự do đi lại chạy nhẩy, tìm kiếm, đào bới… nên phương pháp chăn nuôi trên đệm lót lên men còn được gọi là phương pháp chăn nuôi tự nhiên.
 
Vai trò của vi sinh vật trong xử lý chất thải động vật:
 
Khử mùi hôi và khí độc
 
Việc khử mùi hôi và khí độc trong độn lót là do tác dụng hấp phụ vật lý của độn lót và của ánh sáng, nhưng tác dụng khử mùi hôi thối của vi sinh vật hữu ích sử dụng trong chế phẩm vi sinh tổng hợp mới là chủ yếu.
 
Vấn đề khử mùi hôi và khí độc được đặt ra mạnh trong những năm gần đây khi chăn nuôi phát triển với tốc độ nhanh gây ô nhiễm lớn môi trường chăn nuôi. Trong chuồng nuôi tích tụ nhiều khí độc như NH3, CH4, N2O, H2S,CO2 làm cho vật nuôi dễ sinh các bệnh đường hô hấp, ảnh hưởng đến sinh trưởng, tiêu tốn thức ăn lớn, gây tổn thất về kinh tế, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người chăn nuôi và những người xung quanh.
 
Sự khử các chất khí thối, độc trong chuồng nuôi của lớp độn lót lên men vi sinh vật là nhờ sự tác động của nhiều nhân tố. Cụ thể là:
 
- Khống chế nguồn phát sinh khí: Sử dụng dịch lên men để lên men thức ăn gia súc sẽ tăng cường sự tiêu hóa hấp thu thức ăn, nên một mặt làm giảm lượng phân thải ra mặt khác làm giảm thải các chất dinh dưỡng (protein axit amin... ) trong phân, do đó làm giảm sự hình thành các khí thối độc.
 
- Tác dụng khử mùi hôi và khí độc quan trọng nhất là do vi sinh vật. Vi sinh vật có ích thực hiện sự giảm mùi theo hai cách:
 
+ Ức chế và khử vi khuẩn lên men gây thối trong độn chuồng do tác dụng cạnh tranh của vi sinh vật có lợi. 
 
Trong thành phần của tổ hợp vi sinh vật được đưa vào xử lý độn chuồng có những chủng có thể sử dụng các khí độc làm nguồn dinh dưỡng cho sự sinh trưởng phát triển của mình, do đó mà góp phần làm giảm nhanh khí độc trong đệm lót (phân mới thải ra đã có nhiều khí thối độc do sự lên men của các vi khuẩn thối rữa trong ruột già động vật).
 
+ Sự lên men oxi hóa của vi sinh vật để phân giải phân thành các chất không có mùi. Đó là sự oxy hóa triệt để các chất dinh dưỡng trong phân để thu năng lượng và tạo ra CO2và nước. Nhờ đó mà có thể giảm lượng lớn khí độc trong chuồng nuôi.
 
Duy trì sự cân bằng sinh thái vi sinh vật trong chuồng nuôi
 
Chế phẩm vi sinh sử dụng để xử lý phân và rác thải động vật  bao gồm một tập hợp các vi sinh vật được chọn lọc rất nghiêm ngặt theo các tiêu chí về đặc điểm sinh hóa học cụ thể. Một trong những tiêu chí quan trọng là giữa chúng phải có được mối quan hệ cộng sinh và hỗ sinh để từ đó tạo ra sự cân bằng sinh thái trong môi trường mà chúng tồn tại.
 
Nếu giữa các chủng vi sinh vật không có được mối quan hệ tương hỗ thì chắc chắn tổ hợp vi sinh vật được chọn lọc và tập hợp sẽ bị phá vỡ trong một thời gian ngắn. Bởi lẽ sự phát triển độc lập của từng chủng trong môi trường nhiều chất thải sẽ chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó có cả sự canh tranh ngay trong các chủng của tổ hợp với nhau và sự cạnh tranh của nhiêu vi khuẩn có hại có mặt trong chất thải. Sự cân bằng sinh thái vi sinh vật trong chuồng nuôi sẽ ức chế các vi khuẩn gây thối, vi khuẩn gây bệnh trong chuồng nuôi, làm giảm mùi hôi trong chuồng và giảm bệnh cho gia súc.
 
Có thể nói hiệu quả từ quá trình chăn nuôi trên nền đệm lót cao hơn so với mô hình chăn nuôi thông thường cả về hiệu quả kinh tế mà còn góp phần giải quyết được một lượng lớn các chất ô nhiễm và giảm đáng kể mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi, nâng cao chất lượng môit rường sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
 
Trần Phượng