Khác với các vật nuôi trên cạn khi cá bệnh việc phát hiện và chẩn đoán bệnh chính xác gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm. Khi đã phát hiện được bệnh cá thì việc điều trị không đơn giản và dễ dàng, chữa trị rất khó khăn và tốn kém. Không phải điều trị từng con, mà đơn vị bé nhất là ao, vì vậy cần xác định loại thuốc và nồng độ thuốc thích hợp. Mặt khác, khi trị bệnh cá không phải lúc nào cũng có kết quả như ta mong muốn và ít nhiều đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cá, ảnh hưởng đến thức ăn tự nhiên và môi trường nước. Ngoài ra, một số thuốc có thể tích lũy trong cơ thể cá và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Chính vì vậy trong quá trình nuôi cá nước ngọt việc phòng bệnh vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lâu dài và quyết định.
- Áp dụng đúng các nguyên tắc phòng bệnh cho cá
Đây là biện pháp tích cực và có ý nghĩa quyết định trong nghề nuôi cá nước ngọt, đặc biệt trong hệ thống ương nuôi cá giống. Phòng bệnh tức là áp dụng các biện pháp để tránh đưa mầm bệnh từ ngoài vào ao nuôi hoặc ngăn ngừa mầm bệnh phát triển trong ao như chăm sóc và cho cá ăn đầy đủ (chất và lượng) để cá khỏe mạnh có sức đề kháng tốt với bệnh. Có 3 biện pháp:
- Biện pháp quản lý môi trường và kỹ thuật nuôi:
Cần thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật nuôi, sau mỗi vụ nuôi, cần vét ao, bón vôi (10-15kg/100m2), phơi đáy ao 3-5 ngày, nhằm diệt mầm bệnh, kiềm hóa môi trường và diệt tạp.
Nước ao nuôi cá phải lấy từ nguồn nước sạch, không bị nhiễm bẫn (từ chất thải nông nghiệp, chất thải công nghiệp…);
Cá thả nuôi phải là cá khỏe mạnh, mật độ ương nuôi vừa phải, tỷ lệ ghép thích hợp để tận dụng hết nguồn thức ăn trong ao và tránh cho thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường nuôi;
Tránh gây xáo trộn trong đời sống cá (gây sốc) như: không nên thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường (nhiệt độ, oxy hòa tan, pH…), tránh xây sát cá trong quá trình đánh bắt, sang ao, lọc cá. Khi bị sốc sức đề kháng của cá sẽ giảm và cá trở nên yếu hơn sẽ dễ bị các sinh vật gây bệnh tấn công.
- Biện pháp sinh học: là biện pháp tăng cường sức đề kháng của cơ thể cá, khi đó cá có khả năng chống lại các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài môi trường.
Cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là giai đoạn cá còn nhỏ thì phải đặc biệt lưu ý khi chuyển tính ăn. Cho cá ăn theo phương pháp "4 định":
+ Định chất lượng thức ăn: thức ăn dùng cho cá ăn phải tươi, sạch sẽ không bị mốc, ôi thối, không có mầm bệnh và độc tố. Thành phần dinh dưỡng thích hợp đối với yêu cầu phát triển cơ thể cá trong các giai đoạn.
+ Định số lượng thức ăn: dựa vào trọng lượng cá nuôi để tính lượng thức ăn, thường sau khi cho ăn từ 3-4h cá ăn hết là lượng vừa phải. Cá ăn thừa nên vớt bỏ đi để tránh hiện tượng thức ăn phân hủy làm ô nhiễm môi trường sống.
+ Định vị trí cho ăn: muốn cho cá ăn một nơi cố định cần tập cho cá có thói quen đến ăn tập trung tại một điểm nhất định. Cho cá ăn theo vị trí vừa tránh lãng phí thức ăn lại quan sát các hoạt động bắt mồi và trạng thái sinh lý sinh thái của cơ thể cá. Ngoài ra để phòng bệnh cho cá trước các mùa vụ phát sinh bệnh có thể treo các túi thuốc ở nơi cá đến ăn, có thể tiêu diệt nguồn gốc gây bệnh.
+ Định thời gian cho ăn: hàng ngày cho cá ăn 2 lần.
- Biện pháp dùng thuốc và hóa chất để phòng bệnh:
TNGB có thể theo dụng cụ lây lan bệnh từ ao cá bị bệnh sang ao cá khoẻ. Vì vậy dụng cụ của nghề nuôi nên dùng riêng biệt từng ao. Nếu thiếu thì sau đó khi sử dụng xong phải có biện pháp khử trùng trước khi sử dụng cho ao khác.
Dụng cụ đánh bắt dụng cụ bằng gỗ, quần áo khi lội ao phải dùng dung dịch TCCA 20 g/m3, thuốc tím KMnO4 10-12 g/m3 để ngâm ít nhất 1 giờ và rửa sạch mới dùng.
Đầu mùa dịch bệnh hoặc cá chớm bệnh có thể dùng phương pháp treo túi thuốc trong ao để phòng bệnh cho cá.
Cá giống mua về cần phải được khử trùng bằng muối ăn với liều lượng 1kg muối/100lít nước trong 10-15 phút trước khi thả xuống ao, bè nuôi. Xác cá bệnh và nước thải từ bể cá bệnh cần được xử lý bằng chlorine trước khi thải ra môi trường ngoài để tránh mầm bệnh lây lan cho những vụ nuôi kế tiếp và các ao nuôi lân cận.
Cần bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất tăng cường sức đề kháng cho cơ thể cá.
Tình hình dịch bệnh càng diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều bệnh mới kháng thuốc nên việc chủ động phòng bệnh cho cá là rất quan trọng. Các biện pháp trị bệnh điều không mang lại hiệu quả cao và chi phí thường rất tốn kém.
Trịnh Quốc Đượm-Phòng KHCN&HTQT
Tin liên quan:
- TTKN: Nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc cho năng suất vượt trội (05-04-2021)
- Lạng Giang: Làm giàu từ nuôi cá truyền thống (01-04-2021)
- CÁ TRA THỜI ẢM ĐẠM (16-06-2020)