Nhắc đến rừng Bắc Giang, người ta nhớ đến rừng tự nhiên huyện Sơn Động, nơi quần tụ của nhiều loài gỗ quý hiếm, trong đó có lim xanh, là niềm tự hào của người dân vùng cao.
Những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, rừng Sơn Động nổi tiếng với trữ lượng gỗ quý hiếm, đặc biệt là gỗ lim xanh. Loài gỗ quý này phân bố rộng khắp các xã trên địa bàn huyện, từ các xã Cẩm Đàn, Yên Định, Tuấn Đạo, An Bá, An Châu, An Lạc cho đến Dương Hưu, Long Sơn. Cứ bước vào rừng là thấy lim xanh. Nhưng rồi, với nền kinh tế thị trường, khi nạn phá rừng tràn về, lim xanh bị khai thác tới cạn kiệt, nhiều lô rừng lim xanh đến tuổi khai thác bỗng chốc bị “xóa sổ”, chỉ còn lại những cây non tái sinh.
Rừng lim xanh tại thôn Đồng Chu, xã Yên Định, huyện Sơn Động, Bắc Giang
Đứng trước tình hình đó, năm 1995, ngành lâm nghiệp tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) đã đề nghị UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ nằm trên địa bàn xã An Lạc, huyện Sơn Động, nhằm bảo vệ loài lim xanh quý hiếm, cũng như bảo tồn nguồn gen các loài thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm khác; bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng của vùng rừng Đông Bắc Việt Nam. Ngày 05/8/1995, Khu Bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ ra đời theo Quyết định số 715 QĐ/UB của UBND tỉnh (nay thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử); tiếp theo đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ cũng đã được thành lập.
Đồng thời, thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên.
Khi rừng được giao cho người dân, công tác bảo vệ rừng được quan tâm hơn, người dân không chỉ cung cấp thông tin cho lực lượng Kiểm lâm, mà còn trực tiếp đấu tranh với những kẻ xấu để bảo vệ rừng; nếu phát hiện các đối tượng xấu vào khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng trái phép, chủ rừng đã tích cực chủ động phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm ngăn chặn, bắt giữ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mặt khác, hầu hết các cộng đồng, nhóm hộ đều thành lập các Tổ bảo vệ rừng, thường xuyên đi tuần tra rừng để bảo vệ diện tích rừng được giao.
Bên cạnh việc tập trung triển khai thực hiện công tác phát triển rừng, sử dụng rừng, lực lượng Kiểm lâm được kiện toàn về tổ chức, tăng cường lực lượng phụ trách địa bàn xã, với phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ rừng tổ chức tuần tra rừng, kiểm tra các hoạt động khai thác, mua, bán, vận chuyển, chế biến và kinh doanh lâm sản, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp trên địa bàn.
Một cây lim xanh tại thôn Đồng Chu, xã Yên Định, huyện Sơn Động, Bắc Giang
Với những nỗ lực không ngừng hiện nay, những cánh rừng tự nhiên có phân bố loài lim xanh trên địa bàn huyện Sơn Động đã được “hồi sinh”. Điển hình như rừng đặc dụng tại Phân ban Khe Rỗ xã An Lạc (Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử); hay rừng tự nhiên thuộc loại rừng sản xuất được quy hoạch thành cánh rừng kiểu mẫu, để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các giống cây thân gỗ bản địa, trong đó có loài lim xanh tại thôn Đồng Chu, xã Yên Định...
Có dịp tới thăm những khu rừng trên, ta sẽ thấy không gian hoang sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ. Với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, đặc trưng của vùng rừng Đông Bắc Việt Nam, không chỉ đa dạng về thành phần loài cây, mà còn phân bố nhiều loài thực vật rừng quý hiếm.
Những cây thân gỗ đại bộ phận có đường kính từ 20 - 30 cm, thậm chí có cây gỗ tạp có đường kính 40 cm, xem kẽ rải rác những cây lim xanh có đường kính một người lớn ôm không xuể, chiều cao vút ngọn từ 15 m đến trên 20 m, có tuổi đời hàng chục năm, một biểu tượng của thiên nhiên.
Về với vùng cao Sơn Động, khi tham quan quần thể Khu du lịch Tâm linh - Sinh thái Tây Yên Tử, hãy ghé thăm rừng tự nhiên phân bố loài lim xanh, “báu vật” rừng Sơn Động; đồng thời, là dịp để chiêm ngưỡng hệ sinh thái rừng nhiệt đới, đặc trưng của vùng rừng Đông Bắc Việt Nam.
theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/