Ông Nguyễn Lương Y cùng gia đình đang tiến hành quay mật ong
Bắc Giang là tỉnh có diện tích đất tự nhiên phần lớn là rừng và cây ăn quả, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên có độ che phủ cao, hệ thực vật đa dạng, nguồn hoa phong phú và đây là tiềm năng rất lớn thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật. Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình chăn nuôi ong nội lấy mật theo VietGAP, nâng cao chất lượng mật tại 2 huyện Lục Nam và Lục Ngạn.
Trong đó, 08 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 105 đàn ong nội về giống, mỗi đàn ong gồm 3 cầu cả thùng, hỗ trợ 50% thức ăn bổ sung đường theo yêu cầu 2 kg/1 đàn ong. Kết quả triển khai cho thấy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã lựa chọn 2 xã để triển khai mô hình. Các xã triển khai đều đáp ứng theo yêu cầu đề ra phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi của mỗi địa phương. Số đàn ong của các xã dao động bình quân từ 200-300 đàn, diện tích đất nông lâm nghiệp phù hợp với điều kiện nuôi và phát triển các đàn ong cũng như để nhân rộng mô hình.
Gia đình ông Nguyễn Lương Y ở thôn Bãi Đá, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam có kinh nghiệm gần 20 năm nuôi ong lấy mật. Trước kia, ông Y nuôi nhiều loại khác nhau từ ong nội đến ong ngoại nhưng cuối cùng ông đã lựa chọn ong nội để nuôi. Bởi ong nội là loại tự nhiên chịu khó đi kiếm ăn xa, chất lượng mật thơm ngon. Bình quân mỗi năm ông Y nuôi gần 20 đàn, mỗi đàn kéo được 10-16 lít mật/năm, hàng năm bán ra thị trường gần 300 lít mật.
Năm 2020, gia đình ông Nguyễn Lương Y được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 10 đàn ong nội có nguồn gốc giống từ Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam). Sau 1 năm chăn nuôi ông Y nhận thấy đàn ong này đã giúp giảm tỷ lệ cận huyết do trước gia đình chủ yếu có thói quen tự nhân giống. Cũng vì điều này, bản thân ông còn vận động con cháu và các hộ dân xung quanh cùng nuôi ong lấy mật đem lại thu nhập khá và thị trường tiêu thụ được thuận lợi. Đến nay, gia đình phát triển được 37 đàn. Năm nay được đánh giá là thời tiết thuận lợi lượng hoa nhiều và cộng với đặc điểm chăm chỉ lao động của đàn ong nên lượng mật khai thác được tương đối cao.
Cùng với ông Y, gia đình ông Khuyên ở thôn Thần Đồng, xã Bình Sơn, năm 2020 cũng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 10 đàn ong, đến nay gia đình ông Khuyên có tổng 40 đàn, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 300 lít mật, với giá bán ổn định 150.000 đồng/lít đem lại thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng.
Ông Khuyên đánh giá, đàn ong của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ có chất lượng con giống tốt, con ong to hơn, khỏe hơn nên mật cũng năng suất hơn ong rừng của gia đình đang nuôi. Nuôi ong đang tạo nguồn thu chủ yếu cho gia đình ông, bởi theo ông nuôi ong không khó, vốn đầu tư không nhiều, năm đầu tiên phải bỏ chút vốn ra để làm thùng nuôi những năm sau đó thì chỉ bỏ công. Nhưng nuôi ong đòi hỏi tỷ mỉ, người nuôi phải kiên trì, nhẫn lại, tâm huyết với nghề. Bên cạnh lợi ích về kinh tế thì nuôi ong mật đang làm tăng năng suất cây trồng và tiết kiệm một khoản chi phí để áp dụng phương pháp thụ phấn khác cho cây trồng. Khi phát triển nuôi ong theo hướng VietGAP các vùng nguồn phấn và mật hoa sẽ hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên các sản phẩm hữu cơ thân thiện và ít ảnh hưởng tới môi trường sống của cộng đồng.
Cùng với gia đình ông Y, ông Khuyên thì ở xã Bình Sơn huyện Lục Nam được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50 đàn ong cho 5 hộ gia đình, đến nay đàn ong của các hộ đều khỏe mạnh và nhân đàn được gần 40 tổ.
Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây chất lượng nguồn mật ong tùy thuộc vào thời gian khai thác mật. Mùa khai thác mật đạt hiệu quả cao nhất, chất lượng mật ngon nhất là vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 âm lịch hàng năm, lúc đó hoa rừng nở rộ khắp nơi, đến tháng 11 Đông Trí có mật nhưng hơi đắng bởi ong hút mật hoa thập cẩm, các tháng còn lại khai thác được ít hơn bởi vụ Hè Thu hoa rừng ít đi. Sản lượng khai thác mật tùy theo lượng đàn, ong khỏe khai thác được nhiều mật hơn, đàn yếu và đàn ong bị bệnh thì không có mật.
Hiện nay nghề nuôi ong ở xã Bình Sơn mới phát triển và mật ong được coi là một trong những đặc sản của địa phương nhưng một vấn đề đang đặt ra hiện nay là sản phẩm làm ra và bán trên thị trường chủ yếu là do hình thức tự phát. Người dân bán, thương nhân thu mua khi có nhu cầu nên mối liên hệ này chưa thật bền vững. Với mong muốn đưa sản phẩm của mình thành một thương hiệu nổi tiếng không chỉ cung cấp mật cho những khách hàng quen thuộc ở quanh khu vực mà còn cung cấp cho các khách hàng ở ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Tuấn- Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn, huyện Lục Nam cho biết, “Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đàn ong về với Bình Sơn, chúng tôi cảm nhận được chất lượng đàn ong tốt hơn so với đàn ong bản địa từ chất lượng con giống đến sản lượng mật. Các hộ được tiếp cận dự án này đều có nguồn thu nhập cơ bản và nhân được giống trên địa bàn rất nhiều. Trong thời gian tới, địa phương mong muốn được tiếp cận thêm nhiều những mô hình khác do Trung tâm Khuyến nông triển khai”.
Mô hình nuôi ong nội bước đầu có khả năng nhân ra diện rộng. Thông qua hiệu quả kinh tế giúp người chăn nuôi thay đổi cách nghĩ trong sản xuất, nâng cao sự đầu tư khoa học kỹ thuật trong sản phẩm, thu hút vốn và nhân công nông nghiệp, tạo thu nhập ổn định cho người lao động ở địa phương tạo sinh kế và tận dụng lao động, giải quyết vấn đề dư thừa lao động trong nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, giải quyết những vấn đề bất cập trong môi trường hiện nay. Bên cạnh đó, chu kỳ dự kiến sẽ có thêm 200- 250 đàn ong mới được nhân giống từ đàn ong của mô hình.
Theo http://khuyennongbacgiang.com
- Cách chăm sóc và nuôi dường Nai (15-11-2023)
- Cách làm chuồng, thức ăn và đặc tính sinh sản của Nai (15-11-2023)
- Đặc điểm và tập tính sinh hoạt của con Nai (15-11-2023)