Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030 được tỉnh UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt tại QĐ số 975/QĐ-UBND ngày 29/6/2018 và chính thức triển khai từ cuối năm 2018.
Đây là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, nhằm khai thác những tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân. Sau 2 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Bắc Giang được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện sớm và có hiệu quả của cả nước. Được sự chỉ sát sao của các cấp ủy Đảng , chính quyền các cấp đến nay trên địa bàn 10/10 huyện, thành phố đều có sản phẩm OCOP(có 95 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên). Điều đó cho thấy tác động mạnh mẽ của Chương trình đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể và sự lan tỏa rộng khắp của chương trình đã tạo lên những hiệu ứng thi đua đặc biệt trong khu vực kinh tế nông nghiệp nông thôn tỉnh nhà.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 36 HTX/49 chủ thể (chiếm 73,47 % tổng số chủ thể tham gia) với 70/95 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao trở lên, (chiếm 73,68% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh), trong đó có 16 sản phẩm 4 sao và 54 sản phẩm 3 sao. Điều này chứng minh cho vai trò chủ đạo của loại hình HTX trong Chương trình OCOP tại tỉnh Bắc Giang và phù hợp với mục tiêu quan trọng thứ nhất của Chương trình OCOP là Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh). Các HTX có sản phẩm được công nhận đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương của tỉnh (như Vải thiều Lục Ngạn; gà đồi Yên Thế; Mỳ chũ Lục Ngạn; thịt lợn và thịt lơn chế biến;…). Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng sản phẩm như bản tự công bố, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, kết quả kiểm nghiệm, kế hoạch giám sát chất lượng, giấy đủ điều kiện sản xuất,… Đặc biệt, một số sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như HACCP; Global Gap; GMP; VietGap,… (sản phẩm của HTX kinh doanh Thao Thanh; sản phẩm của HTX dược liệu khánh Hoa; HTX NN SX và KD DVTH Hồng Xuân; sản phẩm của HTX rau sạch Yên Dũng;...).
Sản phẩm Trà hoa vàng (4 sao) của HTX SX cây dược liệu Lựu Chanh
xã Trường Sơn
Thực tế cho thấy, khi tham gia chương trình OCOP các HTX được nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, được hỗ trợ tư vấn phát triển và hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, giới thiệu quảng bá sản phẩm... Từ đó các HTX trong tỉnh không ngừng đổi mới, cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường, huy động các nguồn lực để mở rộng phát triển sản xuất, hoàn thiện và gia tăng giá sản phẩm. Đặc biệt, xác định xúc tiến thương mại là khâu chủ chốt trong chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu cuối cùng của chương trình với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT thông qua các hội chợ, sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh đã giúp sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang được kết nối, mở rộng giao thương với hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt có một số sản phẩm bước đầu đã thực hiện xuất khẩu đến các thị trường khó tính như: Mỹ Chũ Green xuất sang Nhật Bản; Bánh nông sản Bình Minh xuất sang Hàn Quốc;… Cùng với đó là việc hình thành các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại thành phố Bắc Giang; huyện Lục Nam; huyện Yên Thế và huyện Việt Yên giúp cho một số HTX đã trở thành đơn vị kết nối cung - cầu, phát triển hoạt động xúc tiến thương mại hiệu cho sản phẩm OCOP. Qua đó đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân. Điển hình như HTX nông nghiệp xanh Yên Thế; HTX SX cây dược liệu Lựu Chanh xã Trường Sơn huyện Lục Nam.
Đối với Chương trình OCOP Tỉnh Bắc Giang xác định đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất ở nông thôn “Có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc” nhằm mục đích từng bước thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở khơi dậy nội lực trong người dân khu vực nông thôn để sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, có lợi thế ở mỗi địa phương nhằm góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị thông qua Chương trình OCOP. Năm 2021 đã có 70/92 sản phẩm của 50 HTX/69 chủ thể đăng ký tham gia chu trình OCOP, qua đó cho thấy các HTX trên địa bàn chính là động lực, là đòn bẩy để thực hiện chương trình và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn, hạn chế tình trạng lao động nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn./.