Để cây vải thiều sai quả thì hàng năm sau khi thu hoạch quả cần phải tiến hành một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc ngay. Tuỳ theo độ tuổi, tình hình sinh trưởng và phát triển cụ thể của cây vải mà ta có biện pháp chăm sóc thích hợp. Song song với kỹ thuật đốn tỉa cành ở giai đoạn này là quy trình chăm sóc bón phân hợp lý, cân đối và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Cụ thể là, ngay sau khi đốn tỉa cành xong, cần tiến hành bón phân thúc ngay cho cây, sử dụng các loại phân có hàm lượng đạm và lân cao, nên bón bổ sung phân chuồng và phân xanh giúp cho bộ rễ, lá nhanh phục hồi và phát triển thuận lợi.Thời kỳ này sử dụng từ 0,3 - 0,5 kg phân đạm urê + 1-2 kg lân supe + 5-10 kg phân chuồng để bón trung bình cho 10m2 tán lá.

- Cách bón: xẻ rạch xung quanh hình chiếu của tán cây (có thể đào từ 6 – 10 rạch) với chiều sâu của rạch từ 20 – 30 cm, rộng 20 – 25 cm. Rải đều phân hóa học xuống dưới rạch, rắc phân chuồng và phân xanh lên trên, sau đó lấp đất kín, lấp sâu từ 10 – 15 cm. Sau khi bón phân xong tiến hành tưới ẩm để phân tan nhanh giúp cho cây vải sử dụng được phân bón ngay.

* Đối với cây vải thiều chính vụ, cây thường sẽ ra 2 đợt lộc hè trong năm.

- Đợt 1 ra từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. Đợt lộc này cành lộc ngắn, mang ít lá, khả năng ra hoa, quả trên các cành lộc này rất thấp.

- Đợt 2 ra trong tháng 8. Đợt lộc này chiều dài các cành lộc khá dài, mang nhiều lá. Đây là đợt lộc ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất quả năm sau. Vì đây là lớp lộc quan trọng nên trong giai đoạn này cần thường xuyên kiểm tra vườn vải để phát hiện kịp thời các đối tượng như sâu đục thân, cành, sâu ăn lá, nếu thấy xuất hiện với mật độ nhiều cần sử dụng các loại thuốc như: Padan 95 SP, Regent 800 WG phun trừ sâu để bảo vệ bộ lá ngay ở thời điểm lộc còn non (phun thuốc khi lá lộc có mầu đỏ hoặc phớt hồng). Đồng thời cần bón bổ sung kịp thời phân đạm, phân lân cho những cây vải có sức sinh trưởng yếu, mầu lá hơi vàng hoặc những cây bật lộc muộn hơn các cây khác. Hòa loãng phân với nước rồi tưới vào trong tán cây khi trời mưa ẩm hoặc rắc phân và bơm nước để phân tan nhanh. Khi đợt lộc này thành thục, phải tiến hành tỉa lộc định cành. Nếu cành lộc nào sinh trưởng khỏe thì mỗi đầu cành chọn để lại 2 cành lộc, còn các cành yếu ta chỉ chọn để 1 cành. Những cành lộc trong tán cũng tiến hành tỉa thưa hợp lý (sau này các cành lộc trong tán này cũng sẽ cho quả).

* Từ ngày 1/ 9 đến 31/10 là thời điểm cây vải ra lộc thu. Giai đoạn này ảnh hưởng quan trọng đến việc phát triển hoa, quả năm sau. Để cây vải đạt năng suất quả cao thì đợt lộc thu cuối cùng trong năm phải nhú trước ngày 31/ 10, như vậy lộc mới kịp thành thục để mang hoa, mang quả cho năm sau.

+ Thông thường lộc thu trên cây vải thường nhú trước ngày 15/9 hàng năm. Nếu cây nào sau ngày 15/9 mới bắt đầu nhú lộc thu và có khả năng ra tiếp một đợt lộc nữa thì có thể tiến hành bón thúc thêm phân bón để bộ lá lộc sớm thành thục, kịp ra lộc cuối cùng trong tháng 10. Hòa loãng phân đạm để tưới hoặc phun phân bón lá, sau đó tiến hành tưới nước. Giai đoạn này khi bón phân tránh bón sâu, bón quá nhiều để tránh hiện tượng cây bật lộc đông.

+ Đồng thời cần lưu ý phòng trừ sớm nhện lông nhung phá hại các đợt lộc thu khi mới nhú. Trước khi cây nhú lộc thu cần sử dụng các loại thuốc đặc trị nhện lông nhung như: Pegasus 500 EC, Ortus 5 EC ...

Sau khi lộc thu đã phát dài hết cần kiểm tra để ngắt bỏ hết những đoạn mầm lộc đã bị nhện lông nhung phá hại làm xoăn lá, tiến hành tỉa thưa hợp lý các cành lộc.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/