Đã từ lâu, một số cơ quan đã tiến hành nghiên cứu và triển khai việc nuôi giun đất để tạo nguồn đạm động vật cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, ba ba, cá, lươn. Ngoài ra, nuôi giun đất còn để tạo ra nguồn phân hữu cơ sạch cho cây trồng và góp phần làm sạch môi trường. Tôi xin chia sẻ cách chuẩn bị cơ sở hạ tầng đúng để nuôi giun đạt kết quả cao.

(Ảnh: Ủ chất nền)

1. Chọn địa điểm nuôi giun

Vị trí chuồng nuôi đặt nơi cao ráo, thoáng mát; thoát nước và thoát nhiệt tốt. Chuồng nuôi được bố trí dưới tán cây bóng mát giúp đảm bảo được độ ẩm vào mùa nắng nóng.

Đảm bảo có nguồn nước tưới thường xuyên, nước sạch và trung tính.

Bảo đảm các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm và ngăn ngừa được các thiên địch như chuột, cóc, kiến, nhái ...

2. Chuẩn bị chuồng nuôi giun

Quy mô nhỏ, hộ gia đình với mục đích lấy giun thịt nhằm tăng thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm, thủy hải sản và lấy phân bón phục vụ gia đình thì việc làm chuồng cũng hết sức đơn giản.

Tùy theo điều kiện, khả năng, số lượng giun giống, diện tích đất khác nhau mà thiết kế chuồng trại sao cho phù hợp.

Chuồng nuôi giun quy mô từ 50 m2 trở lên, được thiết kế dạng kiên cố hoặc bán kiên cố với một số thông số kỹ thuật như sau:

 Chiều rộng luống:12, - 1,5 m; luống đơn hoặc đôi (tùy thuộc vào diện tích đất của gia đình).

- Xung quanh xây gạch, chiều cao 40 – 50 cm, trát xi măng.

 Nền chuồng: Bề mặt luống đầm nhẹ; láng xi măng dốc 2% có lỗ thoát nước. Dọc 1 hoặc 2 bên luống có lối đi bằng bê tông để thuận tiện chăm sóc, thu hoạch.

Mái che: Mái tôn, khung thép. Mái che nên cách mặt luống từ 1,5-2 m để thuận tiện cho quá trình chăm sóc và thu hoạch, nếu cao quá sẽ bị mưa hắt vào và ngược lại nếu thấp quá khó cho việc chăm sóc và thu hoạch.

3. Chuẩn bị dụng cụ nuôi giun

Dụng cụ để xới, thu hoạch và chăm sóc giun, Những dụng cụ này khi thao tác tránh không làm tổn thương đến giun.

Tấm che phủ:Sử dụng lưới đen che sáng xung quang. Đặc điểm của giun là ăn cạn và tố, nên người ta dùng tấm che phủ tạo bóng tối cho bề mặt luống nuôi để giun liên tục ở bề mặt ăn thức ăn đồng thời giữ độ ẩm cho luống.

Thùng tưới nước:Sử dụng các loại thùng có vòi sen hoặc có thể tưới qua rổ rá.

Gáo múc nước:sử dụng ca nhựa loại 1-2 lít, có buộc thêm cán tre dài khoảng 1-1,5m.

4. Chuẩn bị chất nền

Chất nền là yếu tố quan trọng cho giun trong thời gian đầu sinh sống, là nơi trú ẩn khi giun tiếp xúc với môi trường mới và là nơi làm tổ, giao phối và đẻ trứng. Chất nền phải đạt các yếu tố sau: tơi xốp, sạch, giàu dinh dưỡng...

- Phân lợn tươi tại mỗi hộ gia đình tham gia mô hình được thu gom và tập kết, bổ sung thêm chất độn từ xenllulose như cỏ, rơm rạ băm nhỏ, bèo tây ...

Các bước ủ chất nền:

Bước 1:Chọn một chỗ đất cứng, bằng phẳng, rải một lớp phân dày 10-15 cm,

Bước 2:  Tiếp theo rải một lớp chất độn dày 10 cm có trộn vôi bột theo tỷ lệ 7 phần phân lợn và 3 phần chất độn.

Bước 3:  Tiếp tục rải phân và chất độn theo thứ tự trên cho đến khi đống chất độn cao 1,0-1,5 m. Ở giữa đống ủ có cắm 1 đoạn tre thông khí.

Bước 4:  Cứ 5-7 ngày tưới nước và đảo đống chất nền 1 lần để đảm bảo chất nền luôn ẩm và có đủ không khí.

Bước 5:  Sau 3-4 tuần ủ chất nền đem sử dụng để thả giun giống.

5. Chuẩn bị thức ăn nuôi giun

- Chuẩn bị bể ủ thức ăn cho giun: bể ủ thức ăn kích thước 2m x 2m x 2m, xây nửa nổi.

- Chuẩn bị thức ăn nuôi giun: Thức ăn của giun là phân lợn tươi được ngâm vào bể có tưới nước sạch trong 1-2 ngày thành dạng lỏng sền sệt, rồi múc và tưới cho giun ăn.

Để tăng chất lượng phát triển của giun Pont.Corethrurrus thì phân lợn được ủ bằng cách dùng chế phẩm sinh học Emina và rỉ mật như sau:

Bước 1:Phân lợn sau khi đưược thu gom vào hố ủ thì cho thêm nước và chế phẩm sinh học Emina theo tỉ lệ 1m3 hồn hợp (70% phân và 30% nước) + 1 lít men + 1 lít rỉ mật trộn đều, dùng bạt phủ kín bề mặt hố ủ.

Bước 2:Ủ phân ít nhất khoảng 24 giờ, sau đó dùng cào và cuốc trộn đều hỗn hợp thật nhuyễn (nhìn cảm quan khi phân hòa với nước tạo thành một hỗn hợp nhuyễn dạng lỏng sền sệt là được)

BBT