Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn Bắc Ninh đã hình thành những nông dân thế hệ mới dám nghĩ, dám làm và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mạnh dạn đầu tư nuôi thỏ, trồng rau công nghệ cao

Nếu thời gian quay về thời điểm 3 năm trước, chưa bao giờ anh Nguyễn Hải Nam ở thôn Thượng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh dám nghĩ sẽ thành công với mô hình nuôi thỏ.

Năm 2018, khi vẫn còn là một cán bộ thú y xã, đồng lương ít ỏi khiến người nông dân này luôn trăn trở làm thế nào để đưa cuộc sống gia đình đi lên. Bởi vậy, khi chứng kiến không ít người đã thành công với nghề nuôi thỏ, anh Nam nghĩ đây có thể là cơ hội làm giàu của mình nên mua về nuôi thử.

Theo đó, với số vốn ban đầu chỉ hơn 20 triệu đồng, anh mua 40 cặp thỏ bố mẹ về nuôi. Để có thể tiết kiệm tối đa chi phí, anh tự tay làm chuồng trại, tận dụng các loại lá cây, rau và cỏ quanh nhà để làm thức ăn cho thỏ.

Hàng ngày, anh Nam ghi chép lại quá trình phát triển cũng như chu kỳ sinh sản của thỏ để đưa ra cách chăm sóc tốt nhất. Đặc biệt, để thỏ đạt chất lượng cao, anh luôn chú ý đến việc đảm bảo chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

"Trong quá trình nuôi thử, nhận thấy loại nuôi thỏ ít dịch bệnh, ăn uống đơn giản nhưng phát triển khỏe, đúng lúc nhu cầu thị trường tiêu thụ rất mạnh nên tôi quyết định mở rộng quy mô chuồng trại…", anh Nam chia sẻ.

Từ 40 cặp thỏ bố mẹ ban đầu, đến nay anh Nam đã có trong tay 290 con bố mẹ với tổng số lượng thỏ thương phẩm đạt trên 1.200 con. Mỗi tháng từ trang trại của anh cung cấp cho thị trường 150 con thỏ, mang về doanh thu trên 30 triệu đồng/tháng.

Đồng hành cùng người nông dân trẻ này suốt 3 năm qua, là sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt là về việc hỗ trợ giải quyết khó khăn cho anh về vốn. Anh Nam đã được vay 100 triệu từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Từ đồng vốn này đã giúp anh trang trải hiệu quả trong sản xuất.

Mô hình trồng rau công nghệ cao của nông dân Nguyễn Khắc Mạnh, phường Đình Bảng, TP Từ Sơn cũng là điển hình nông dân giỏi.

Ông Mạnh chia sẻ, với niềm đam mê trồng trọt, vài năm trước, ông theo mấy người bạn rong ruổi khắp những vùng trồng rau công nghệ cao như Mộc Châu (Sơn La), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... thậm chí là vào cả nơi sản xuất của Tập đoàn VinGroup để tìm hiểu.

Sau khi vững vàng về kinh nghiệm, kỹ thuật, ông quyết tâm xây dựng mô hình trồng rau hiện đại ngay tại quê hương mình với quy mô 3.000m2, trong đó khu nhà kính, nhà màng rộng 1.300m2.

Mô hình trồng rau công nghệ cao sử dụng công nghệ tưới phun tự động, tiết kiệm nhân công lao động, lại tùy chỉnh được độ đồng đều. Ngoài ra, ông còn mua hai chiếc điều hòa lớn trị giá 160 triệu đồng có chức năng điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm theo từng thời điểm phát triển của rau và thời tiết.

Sau khi hoàn thiện cơ sở vật chất, ông bắt đầu thỏa sức đam mê sáng tạo với hàng loạt giống cây trồng mới. Trong đó, tiêu biểu là giống dưa chuột Israel với ưu điểm là đặc ruột, ít hạt, ngọt được thị trường ưa chuộng.

Cũng trên diện tích nhà kính, ông gối thêm một vụ hoa lan Tết để tăng công suất sử dụng. Theo ông, trồng rau công nghệ cao có nhiều triển vọng phát triển, bởi mặc dù đầu tư lớn, nhưng thu hồi vốn cũng khá nhanh. Không chỉ hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất cây trồng, trồng rau công nghệ cao còn phù hợp với xu hướng sử dụng các sản phẩm an toàn của người tiêu dùng nên rất được giá. Mỗi năm mô hình của ông cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng.

Hình thành những nông dân 4.0

Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết: Tỉnh Bắc Ninh hiện có gần 173.000 hội viên nông dân. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi là phong trào trọng tâm do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989; đến nay phong trào đã phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong tỉnh Bắc Ninh.

Hưởng ứng phong trào, giai đoạn 2016 - 2021 toàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 558.800 lượt hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trung bình có hơn 93.000 hộ đăng ký/năm. Qua bình xét, gần 483.660 lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (đạt 86,5% số hộ đăng ký).

Riêng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có gần 80.000 hộ nông dân đạt danh hiệu "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi". Trong đó, nhiều hội viên nông dân giỏi có mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho bà con.

Để giúp nông dân sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề…

Cụ thể, về vốn Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân cho 323 dự án với 1.448 hộ vay 98 tỷ đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (tăng hơn 65 tỷ đồng so với năm 2016). Cùng với tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội phối hợp với các ngân hàng tín chấp giúp gần 22.620 lượt hộ vay vốn 818 tỷ đồng.

Hội Nông dân Bắc Ninh trực tiếp và phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... tổ chức hơn 4.600 buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hơn 360.700 lượt hội viên, nông dân; mở 405 lớp đào tạo nghề cho hơn 12.000 nông dân.

Từ phong trào đã khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo ra những liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thông qua việc tạo dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

"Thời gian tới Hội tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, đổi mới tác phong làm việc, tư duy sản xuất trong thời đại 4.0 để thích ứng tốt với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế". Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh./.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/