Trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ được ứng dụng vào sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt phải kể đến dự án đưa giống lúa P6 đột biến (P6ĐB) vào triển khai rộng rãi tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần rút ngắn thời vụ sản xuất và nâng cao giá trị sản xuất cây màu vụ đông.
Xã Hoàng Thanh (huyện Hiệp Hòa) là địa phương đầu tiên của tỉnh Bắc Giang đưa giống lúa này vào canh tác từ vụ mùa năm 2009 và đến nay giống lúa này là một trong những bộ giống chủ lực trong vụ mùa của địa phương. Qua trồng thử nghiệm cho thấy giống lúa P6ĐB có đặc điểm nổi bật như có hình dạng gọn, thân cứng, lá màu xanh đậm, bản lá dày, phù hợp với khả năng thâm canh. Bên cạnh đó, giống lúa mới này chống chịu khá tốt với sâu bệnh (bệnh bạc lá, đạo ôn), năng suất lúa trung bình đạt 55-61 tạ/ha, số hạt/bông khá, tỷ lệ lép thấp, chất lượng gạo khá và đặc biệt là khả năng chống đổ, chịu rét tốt. So với Khang dân 18 thì giống lúa P6ĐB có số dảnh lúa cao hơn, chiều cao cây, tiềm năng, năng suất tương đương nhưng thời gian sinh trưởng ngắn hơn từ 15 - 20 ngày; tỷ lệ nhiễm sâu bệnh nhẹ hơn, nhất là sâu cuốn lá, sâu đục thân và bệnh lép hạt, giảm được chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật và công phun thuốc…Chị Dương Thị Thuý- Thôn Đồng Giang- Hoàng Thanh- Hiệp Hoà cho biết “lúa P6ĐB cho gạo ngon, năng suất bằng với giống Khang dân. Tuy nhiên thời gian sinh trưởng ngắn cho thu hoạch lúa sớm nên có thể triển khai trồng cây rau màu vì vậy chỉ với 3 sào diện tích đất nông nghiệp của gia đình chị lại cho thu nhập cao gấp đôi so với những năm trước đây”
Với những ưu điểm trên, giống lúa P6ĐB phù hợp gieo trồng tại vụ xuân muộn và vụ mùa cực sớm trên những chân đất vàn, chịu thâm canh và những chân đất có cơ cấu trồng 3 - 4 vụ lúa + màu/năm và làm giống hè thu chạy lũ cho một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang thì diện tích cấy giống lúa P6ĐB đã tăng nhanh trong thời gian qua và được gieo trồng tại một số huyện trong tỉnh. Nếu như năm 2009 mới có vài ha thì đến năm 2014 đã tăng lên khoảng 500ha và tỉnh Bắc Giang cũng đã chính thức đưa giống lúa P6ĐB vào cơ cấu gieo trồng trên địa bàn tỉnh.
Bắc Giang là một tỉnh có truyền thống làm vụ đông, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập cao đã và đang góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân. Cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật nhiều giống lúa ngắn ngày, năng suất cao được đưa vào canh tác. Diện tích mùa sớm để lấy chân ruộng làm vụ đông của tỉnh từ hơn 40% những năm trước đây, nay đã tăng lên trên 70% so với tổng diện tích vụ mùa. Diện tích này hầu hết có hệ thống tưới tiêu thuận lợi cho việc canh tác vụ đông. Đặc biệt đối với giống lúa P6ĐB canh tác ở vụ mùa có thời gian thu hoạch sớm sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất cây màu vụ đông của tỉnh./.
Hoàng Thoa
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)