Ảnh: minh hoạ

Sắn là loại cây lương thực rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Sắn dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất và vùng sinh thái ngay cả trong điều kiện khí hậu mưa nắng khắc nghiệt sắn vẫn xanh tốt. Nhưng để đạt năng suất cao thì bà con hãy cùng tìm hiểu với chúng tôi qua bài viết này nhé.

1. Chuẩn bị

- Thời vụ:từ tháng 2 đến tháng 4 là thích hợp để trồng sắn nhất.

- Làm đất:trước khi trồng cầnthu dọn rễ cây và tàn dư thực vật, san lấp mặt bằng; xử lý cỏ dại. Sắn cần đất tơi xốp, có độ sâu để rễ, củ phát triển. Cày đất sâu tầm 25cm, chia ra cày làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 10 – 15 ngày, bừa cũng 2 lần (lần 1 sau khi cày lật đất lần 1 khoảng 7 – 15 ngày và lần 2 sau khi cày 2,5 – 7 ngày).

- Chuẩn bị hom:Chọn những cây sắn giống khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh, ngắn đốt từ vườn nhân giống hoặc nương sắn sản xuất, đã đủ 8 tháng tuổi trở lên. Chọn đoạn giữa thân để chặt hom giống, loại bỏ những cây bị khô, bị trầy xước. Dùng dao sắc chặt hom, khi chặt tránh làm dập nát hai đầu hom. Chiều dài hom 15 – 20 cm, tối thiểu mỗi hom có 4 – 6 đốt.

2. Cách trồng

Trồng hom nằm ngang trên những diện tích đất tương đối bằng phẳng, ở những diện tích đất có mưa nhiều thoát nước kém có thể kéo luống hoặc lên líp để trồng với các phương pháp hom đứng và hom xiên. Ngoài ra, nếu trồng vào vụ cuối mưa, ẩm độ đất thấp thì nên trồng hom đứng.

Từ 10 – 13 ngày sau khi trồng sắn, hom nảy mầm. Cần kiểm tra đồng ruộng. Khoảng 20 ngày nếu đất còn độ ẩm thì dặm lại các hom không nảy mầm hoặc hom yếu.

3. Cách chăm sóc

Sắn cần hút nhiều chất dinh dưỡng thì mới phát triển được. Vậy nên người trồng phải bón phân đầy đủ và cân đối cho cây. Bón lót khi cày bừa hoặc theo hốc trước khi trồng sắn bằng phân chuồng và phân lân. Sau 25 đến 30 ngày trồng sẽ bón thúc lần 1 bao gồm ½ lượng phân đạm và ½ phân kali. Tiếp tục bón thúc lần 2 gồm ½ phân đạm và ½ phân kali còn lại khi sắn trồng được 50 đến 60 ngày. Ngoài ra, bà con nên tránh bón phân giữa lúc trời nắng hay mưa lớn. Nên bón phân lúc đất được cung cấp đầy đủ độ ẩm. 

4. Phòng trừ sâu bệnh

Một số bệnh hại trên sắn: bệnh cháy lá do vi khuẩn, bệnh đốm lá, bệnh chổi rồng. Biện pháp phòng trừ tốt nhất là sử dụng cây giống sạch bệnh, bón phân cân đối, đầy đủ.

Một số sâu hại trên sắn: mối, rệp sáp; trong đó mối là loại sâu hại chủ yếu và quan trọng trên sắn. Mối gây hại chủ yếu ở giai đoạn mới trồng và quá trình bảo quản. Để phòng trừ mối gây hại, sử dụng Diazan 10H từ 3 - 5kg /ha rải vào đất khi cày bừa hoặc theo hốc lúc trồng.

5. Thu hoạch

Cần thu hoạch sắn đúng thời điểm khi cây đã rụng gần hết lá ngọn và lá chuyển từ màu xanh sang vàng nhạt. Thu hoạch đến đâu cần vận chuyển ngay đến các cơ sở chế biến, tránh để lâu hoặc phơi nắng ngoài đồng làm giảm hàm lượng và chất lượng tinh bột trong củ. Đối với trường hợp bán sắn lát, sắn thu hoach đến đâu thì phải tiến hành xắt lát rồi phơi khô tại ruộng. Sắn lát khô với ẩm độ từ 11- 12% cỏ thể đem bán ngay hoặc bảo quản trong bao- kho chứa, cần xử lý các loại thuốc xông hơi để phòng trừ côn trùng và mọt.

BBT