Ngày 21/11/2014 Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang phối hợp với đại diện Công ty Juran Việt Nam và một số đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Giới thiệu công nghệ bảo quản của ISRAEL và chiếu xạ vải thiều”.
Tới dự hội thảo về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có đồng chí Hồ Ngọc Luật – Vụ trưởng vụ phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương; Tiến sỹ Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật; Tiến Sỹ Đỗ Đình Khang – Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam; về phía tỉnh Bắc Giang đồng chí Nguyễn Đức Kiên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan, Hiệp hội vải thiều Lục Ngạn, các trường đại học, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh… cùng đại diện các cơ quan hữu quan và phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang, Báo Bắc Giang.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe TS.Trần Lệ Thu và KS. Nguyễn Quyết Thắng - đại diện của Hãng Juran - Isarel giới thiệu các dây chuyền công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho các loại quả như vải thiều theo công nghệ tiên tiến; đặc biệt là dây chuyền xử lý quả vải không xông SO2 và phân loại theo kích thước của quả vải.
Đây là công nghệ xử lý giữ nguyên màu đỏ tự nhiên của vỏ quả vải, hương vị thơm ngon của cùi quả vải, loại bỏ hiện tượng nâu hóa sau ba ngày, quả vải có thể giữ màu đỏ tươi trong 4-5 tuần, kéo dài thời gian thương phẩm. Dây chuyền bảo quản được thiết kế linh hoạt, công suất 1-70 tấn/giờ, hệ thống phân loại kích thước quả tự động phân chia làm 5 nhóm kích thước. Dây chuyền đạt hiệu quả cao trong phân loại và sàng lọc đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Công nghệ này đã được chế tạo, thử nghiệm, kiểm chứng của Bộ Nông nghiệp Isarel và được cấp bằng sáng chế tại Mỹ năm 2000. Quả vải sau khi xử lý bằng công nghệ này có đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Châu Âu và Mỹ, Nhật Bản. Hiện nay hãng Juran đã lắp đặt dây chuyền xử lý quả vải cho Trung Quốc, Thái Lan và Úc.
TS.Trần Lệ Thu cho biết, nếu dây chuyền công nghệ này được áp dụng sẽ góp phần giảm tổn thất cho quá trình bảo quản sau thu hoạch và giảm sức lao động cho người nông dân, nâng hiệu quả sản xuất quả vải và tăng thu nhập cho người dân tại vùng trồng vải.
Tuy nhiên, để quả vải được xuất khẩu ở các thị trường Mỹ phải đạt yêu cẩu của cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ - đối với quả vải xuất khẩu từ Việt Nam (APHIS/USDA) và cục quản lý dược phẩm và thực phẩm FDA. Đại diện phía Công ty Cổ phần chiếu xạ An Phú đã giới thiệu với Hội thảo Công nghệ chiếu xạ thực phẩm và triển vọng ở Việt Nam và một số thông tin liên quan phục vụ cho kiểm dịch và xuất khẩu sang Mỹ.
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về dây chuyền công nghệ này và đã đưa ra nhiều ý kiến chuyên môn có liên quan đến cơ khí chế tạo, công nghệ bảo quản màu sắc, chống nấm mốc và các vấn đề có liên quan khác như khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ…..và việc đầu tư dây chuyền này tại Bắc Giang. Tuy nhiên cũng cần quan tâm nghiên cứu, tính toán chi phí, giá thành sao cho phù hợp; cần phải tìm hiểu, kết nối, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp khi đầu tư công nghệ./.
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)