Hình ảnh: Cây chè

1. Kỹ thuật tưới nước cho chè

Tưới nước cho chè có tác dụng rút ngắn thời gian ngủ, nghỉ của cây, chè cho búp sớm và kéo dài thời gian cho búp trong năm. Năng suất cao chất lượng tốt. Qua nghiên cứu thấy rằng: tưới nước cho chè làm tăng sản lượng từ 6 - 48 %  so với đối chứng, tuỳ năm hạn nhiều hạn ít. Để lấy nước tưới cho chè có thể dùng bể chứa nước trên đồi chè, đào hoặc khoan giếng, lấy nước từ các hồ, đập, bê tông hóa hệ thống kênh mương dẫn nước để sử dụng nước tiết kiệm ,..vv. Đồng thời dùng máy bơm qua hệ thống dẫn nổi hoặc chìm đến các hàng chè và gốc chè. Có thể dùng vòi phun cố định, vòi phun quay để tưới chè hoặc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Tuỳ theo điều kiện kinh tế của từng cơ sở hoặc hộ gia đình mà có hình thức tưới chè cho phù hợp.

+ Căn cứ vào ẩm độ đất là cách xác định thời điểm tưới nước phổ biến hiện nay. Độ ẩm đất thích hợp là 75 - 80%.

+ Có thể dựa vào kinh nghiệm, quan sát thấy lớp đất mặt chuyển màu sắc từ màu đậm sang nhạt để tiến hành tưới nước kịp thời. Tuyệt đối không để tình trạng cây thiếu nước có biểu hiện héo.

- Sử dụng các phương tiện tưới nước tùy theo điều kiện cụ thể.

- Thường tưới nước kết hợp với bón phân thúc để tăng hiệu quả phân bón.

- Lượng nước tưới tăng dần theo sản lượng búp thu hoạch được. Tránh lãng phí nước, làm xói mòn hoặc gây kết váng bề mặt đất.

- Kết hợp giữa tưới nước và tủ gốc giữ ẩm cho chè.

Yêu cầu :

Chỉ sử dụng nguồn nước tưới đã được xác định không bị ô nhiễm hoá chất và VSV. Không sử dụng nước từ các vùng sản xuất công nghiệp, nước thải, nhà máy vì nó có thể đem lại các chất độc hại và gây ô nhiễm

2. Bón phân

- Yêu cầu đối với phân bón:

Cần sử dụng phân bón không nhiễm hóa chất và các vi sinh vật gây hại để bón cho chè; tuyệt đối không sử dụng các loại phân không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tăng cường sử dụng phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh; phân chuồng khi bón cho cây phải đảm bảo được ủ hoai mục.

- Bón phân cho chè kinh doanh (Tính cho 1 ha):

* Phân hữu cơ:

- Thời gian bón: Phân chuồng hoai mục bón hàng năm vào tháng 1.

- Lượng bón: 30 - 35 tấn/ha.

Nông dân có thể dùng phân bón gốc hữu cơ NITEX 840kg/ha khi không chủ động được nguồn phân hữu cơ hoai mục như trên.

* Phân khoáng:

- Hàng năm bón đạm: lân:ka li theo tỷ lệ 3:1:1.

- Lượng bón: 30 - 35 kg N/1 tấn sản phẩm (Tương đương 65 - 75 kg đạm Urê; 55 - 65 kg Supe Lân; 18 - 21 kg Kali clorua/1 tấn sản phẩm) + 75kg  phân trung vi lượng Magnesium Sulfate/ha.

- Thời gian bón:

+ Tháng 2: Bón 30% NPK + 45kg phân trung vi lượng Magnesium Sulfate

+ Tháng 4-5: Bón 30% NPK + 30kg phân trung vi lượng Magnesium Sulfate

+ Tháng 7: Bón 25% NPK

+ Tháng 9: Bón 15% NPK.

- Cách bón: Rạch hàng bón hoặc bổ hốc bón; bón khi đất ẩm, sau lứa hái 7-10 ngày.

* Phân bón lá: Mỗi lứa có thể phun phân bón qua lá để bổ sung dinh dưỡng từ 1 - 2 lần.

3. Kỹ thuật đốn chè

Đối với chè sản xuất kinh doanh (SXKD)

a) Đốn phớt

Hai năm đầu đốn trên vết cũ 5 cm. Sau đó mỗi năm đốn cao thêm 3 cm, khi vết đốn dưới cùng cao 70 cm so với mặt đất thì hàng năm chỉ đốn cao thêm 1 cm so với vết cũ. Tuyệt đối không sửa cành la, đảm bảo độ che phủ khép tán trên đồi chè.

b) Đốn lửng

Những đồi chè đã được đốn phớt nhiều năm, vết đốn cao quá 90 cm so với mặt đất, nhiều cành tăm hương, u bướu, búp nhỏ, năng suất giảm thì đốn lửng cách măt đất 60 - 65 cm hoặc chè năng suất khá nhưng cây cao quá cũng đốn lửng cách mặt đất 70 - 75 cm.

c) Đốn đau

Những đồi chè được đốn lửng nhiều năm, cành nhiều mấu, cây sinh trưởng kém năng suất giảm rõ rệt thì đốn đau cách mặt đất 40 - 45 cm.

d) Đốn trẻ lại

Những đồi chè già, cằn cỗi đã được đốn đau nhiều lần, năng suất giảm nghiêm trọng thì đốn trẻ lại cách mặt đất 10 - 25 cm.

* Thời vụ đốn: Từ giữa tháng 12 đến hết tháng 1 năm sau; Nơi thường bị sương muối đốn muộn hơn, đốn sau đợt sương muối nặng.

- Đối với vùng đảm bảo độ ẩm, hoặc có điều kiện chủ động tưới chè và thu hoạch chè vụ Đông có thể đốn một phần diện tích vào tháng 4 - 5 sau đợt chè xuân góp phần rải vụ thu hoạch chè.

4. Phòng trừ cỏ dại

- Vụ đông xuân xới sạch cỏ dại, cày giữa hàng hoặc phay sâu 10 cm, lấp phân hữu cơ và cành lá già sau khi đốn, nếu hạn không cày được thì xới sạch toàn bộ.

- Vụ hè thu: đào gốc cây dại, phát luổng hoặc xới cỏ gốc giữa hàng, bừa 3 - 4 lần hoặc phay sâu.

 - Đồi chè được tủ cỏ, rác kín đất trong vụ đông xuân thì bớt khâu làm cỏ trong vụ hè thu. Ngoài vật liệu cành chè đốn, có thể huy động rác tủ bằng phế phụ phẩm của nông nghiệp như: thân cây ngô, rơm, rạ...

BBT