Hiện nay, tại vùng nông thôn phần lớn chất thải sinh hoạt, các loại rác thải, phế thải nông nghiệp không được thu gom, vứt bừa bãi ra môi trường dẫn đến tình trạng tồn đọng tại các kênh, mương khá lớn và phổ biến. Một phần nhỏ rác thải, phế thải nông nghiệp đã được xử lý bằng phương pháp đốt tuy nhiên sử dụng phương pháp này ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đất, nước và không khí và lượng tro thu được đã giảm hàm lượng chất dinh dưỡng đối với cây trồng do bị bay hơi. trong khi khả năng đầu tư cho xử lý, giảm thiểu ô nhiễm tại các địa phương rất hạn chế. Do vậy, người dân nông thôn đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Với đặc tính rác thải sinh hoạt và rác thải, phế thải nông nghiệp đa phần là rác thải hữu cơ, vì vậy để giảm thiểu lượng rác thải thải ra môi trường và hạn chế việc đốt rác, phế thải nông nghiệp thì sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt là phương án tối ưu nhất, một trong các chế phẩm sử dụng để xử lý đó là sử dụng chế phẩm vi sinh NC26.
Chế phẩm vi sinh NC26 là hỗn hợp các chủng loại vi sinh vật có khả năng làm tăng quá trình phân giải các chất hữu cơ tươi và tổng hợp thành dạng hữu cơ mới. Chế phẩm NC26 chính là chất xúc tác quá trình ủ phân, vừa rút ngắn được thời gian ủ, vừa đảm bảo chất lượng phân ủ và tiêu diệt được các loại bệnh của phân tươi có thể gây hại cho con người và cây trồng. Quy trình xử lý rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp sử dụng chế phẩm NC26 thành phân hữu cơ sinh học được tiến hành theo các bước sau:
Bước đầu rác thải sinh hoạt và phế thải nông nghiệp được thu gom, phân loại. Rác hữu cơ bao gồm: Các phần loại bỏ từ rau, vỏ hoa, quả, thân cây, rơm rạ, giấy loại…
Sau khi thu gom và phân loại rác hữu cơ được đem tập trung đến bể ủ, rác thải được dàn đều thành từng lớp, mỗi một lớp có độ dày khoảng 30-40 cm, tại mỗi lớp tiến hành phun chế phẩm NC26 sau khi ngâm với nước được 12 tiếng, lượng nước tính toán sao cho đủ để cho độ ẩm của đống ủ đạt khoảng 60-70%; cứ xử lý như vậy đến khi bể ủ đầy thì lấy bùn ao trát kín bề mặt của đống ủ. Bể ủ có thể tích chứa từ 18-20 tấn rác (tương đương khoảng 13-16 m3) thì hiệu quả ủ đạt cao nhất.
Sau khi ủ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát độ ẩm và bổ sung nước cho bể ủ khi thấy cần thiết (độ ẩm đống ủ được duy trì khoảng 60% để cho VSV hoạt động). Khoảng 20 hoặc 30 ngày sau khi ủ sẽ có nước của đống ủ trong bể chảy ra hố ga. Nước này sẽ được thu lại để tưới vào đống ủ nhằm duy trì độ ẩm cho bể ủ và tránh mất hàm lượng vi sinh vật. Sau khi đã ủ khoảng 45-50 ngày thì không cần phải bổ sung thêm nước vào bể ủ mà giữ nguyên hiện trạng cho đến khi kết thúc quá trình ủ.
Sau khi ủ 50-60 ngày phân ủ được lấy từ bể ủ ra sân phơi cạnh bể, hong khô trong điều kiện tự nhiên. Sân phơi cần có mái che, hoặc chỉ phơi phân sau khi ủ chín trong điều kiện thời tiết nắng nhẹ, không mưa gió để tránh phân bị mất đạm Nitơ (do bay hơi), bị ướt và bị rửa trôi theo nước mưa. Sau khi phân được phơi khô, tiến hành nghiền và sàng phân bằng máy nghiền sàng. Sản phẩm phân hữu cơ có màu nâu sẫm, tơi, không mùi. Sản phẩm này có thể đem bón lót trực tiếp cho cây trồng.
Sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải, phế thải nông nghiệp chúng ta có thể áp dụng tại mỗi gia đình, điều đó làm giảm lượng rác thải thải ra môi trường, phế thải nông nghiệp được tận dụng triệt để, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Mặt khác sử dụng phân bón hữu cơ sẽ an toàn cho đất, duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật, bảo vệ kết cấu đất, phù hợp với cây trồng và góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững./.
Nguyễn Thảo
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)