Ngày 09/2/2023, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt đề tài: “Nghiên cứu, gây trồng thử nghiệm cây Thanh thất (Ailanthus triphysa (Dennst) Alston) phục vụ trồng rừng gỗ lớn và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”; cơ quan chủ trì là Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang; chủ nhiệm đề tài là Thạc sĩ Lã Mạnh Cường; thời gian thực hiện: 36 tháng (từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2026).

Mục tiêu của đề tài là: 1) Bổ sung loài cây mới vào danh mục cây trồng chính của tỉnh Bắc Giang; 2) Tuyển chọn, công nhận 50 cây trội làm nguồn giống phục vụ sản xuất giống cây Thanh thất; 3) Xây dựng mô hình sản xuất giống cây Thanh thất từ hạt với quy mô 5.500 cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn; 4) Xây dựng các Quy trình kỹ thuật: Quy trình kỹ thuật nhân giống cây Thanh thất từ hạt, Quy trình kỹ thuật trồng rừng Thanh thất thuần loài, Quy trình kỹ thuật trồng rừng Thanh thất khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; 5) Xây dựng mô hình trồng rừng Thanh thất, quy mô 05 ha; nội dung thực hiện chủ yếu là: 1) Nghiên cứu một số đặc điểm lâm học của cây Thanh thất;  2) Tuyển chọn công nhận 50 cây trội làm nguồn giống phục vụ sản xuất giống cây Thanh thất; 3) Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật nhân giống cây Thanh thất từ hạt; 4) Xây dựng 05 ha mô hình trồng rừng Thanh thất (trong đó: 02 ha trồng rừng thuần loài với mật độ trồng 1.100 cây/ha; 03 ha trồng rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung với mật độ trồng 250 cây/ha); 5) Tổ chức 02 hội thảo khoa học về nội dung nghiên cứu của đề tài.

Theo đó, việc phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của ngành Lâm nghiệp, đã được cụ thể hóa trong Luật lâm nghiệp (2017); Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp (Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013); Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022); Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghệ chế biến gỗ và lâm sản gỗ phục vụ xuất khẩu. Chủ trương lớn này đã được tỉnh Bắc Giang cụ thể hóa thông qua Nghị quyết 401-NQ/TU ngày 3/4/2019 của Tỉnh ủy Bắc Giang về chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2035; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 09/02/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc triển khai thực hiện Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh theo chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025.

Một số hình ảnh cây Thanh thất tại huyện Tân Yên

Vì vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để chọn giống, nhân giống và trồng rừng Thanh thất theo hướng trồng rừng gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của rừng trồng; đồng thời làm cơ sở bổ sung cây Thanh thất là loài cây bản địa gỗ lớn, sinh trưởng nhanh vào danh mục cây trồng lâm nghiệp chính của tỉnh Bắc Giang là rất cần thiết, nhằm từng bước thực hiện tốt chủ trương lớn này.

Cây Thanh thất có tên khoa học là Ailanthus triphysa (Dennst) Alston (tên gọi khác là Sứt, Càng hom, Bút, Xú xuân, Bông xuất, Càn thôn...), thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae). Là cây bản địa, gỗ lớn, thường xanh, cao tới 30m, đường kính đạt tới 1,2m, thân tròn thẳng, phân cành cao. Vỏ xám nâu, có mùi hắc. Lá kép lông chim 1 lần lẻ, dài từ 50-100cm, thường tập trung ở đầu cành. Cuống lá màu nâu hồng phủ lông mềm, rải rác đốm nâu nhạt. Lá chét 11-35 đôi, mọc gần đối, các lá chét ở giữa tương đối lớn. Phiến lá hình trứng ngọn giáo, đầu nhọn dần, đuôi lệch, dài 7–12 cm, rộng từ 2-4,5cm, mép nguyên, nách gân lá phía gốc có 1 túm lông nhỏ. Cuống lá chét dài 0,5-1cm. Lá rụng có màu đỏ. Hoa tự hình chùm viên chuỳ ở đầu cành hay nách lá. Hoa tạp tính, đài hợp gốc, phía ngoài phủ lông. Cánh tràng 5 xếp vòng, màu xanh vàng. Nhị mười, dài băng cánh tràng. Quả kín có cánh, dài 5,5cm, rộng 1,7cm. Cuống dài 2cm. Hoa nở vào tháng 3-4. Quả chín vào tháng 6-7. Rụng lá vào mùa khô.

Một số hình ảnh cây Thanh thất tại huyện Tân Yên

Một số kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước bước đầu cho thấy, Thanh thất là cây lâm nghiệp đa tác dụng, được sử dụng trong đóng đồ, gỗ ván ép, bao bì, dược liệu, trồng cây cảnh quan,... Là loài cây có gỗ mềm, sáng, thớ mịn, dễ gia công chế biến, dễ bóc nên có thể phát triển kinh doanh gỗ lớn, gỗ ván ép, bao bì...; vỏ, thân, lá, quả có công dụng về dược liệu như kháng khuẩn, diệt trùng, thanh nhiệt lợi thấp, bổ máu, tiêu cơm, điều kinh, chữa đại tiện ra máu, ho... được dùng làm dược liệu; lá được sử dụng làm thuốc trừ sâu sinh học, nhựa mủ từ vỏ được sử dụng làm thuốc nhuộm; lá, vỏ cây có vị đắng nên gia súc không ăn...; vỏ dày, chứa nhiều nước, cây phân cành cao nên có tác dụng phòng, chống cháy rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Đây là cây thường xanh, thân thẳng, tròn, tán lá đẹp và trước khi rụng lá có màu đỏ rất đẹp mắt, có thể gây trồng làm cây cảnh quan, bóng mát tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đường phố,... Đặc biệt, đây là loài cây bản địa của tỉnh, có khả năng chịu hạn cao, có bộ rễ khỏe và đã được một số tỉnh miền Nam trồng khảo nghiệm trên đất nghèo kiệt, khẳng định được tính ưu việt về khả năng chịu hạn và kháng sâu, bệnh cao... phù hợp đưa vào trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, đây là loài cây có tính quần thụ cao, sống lâu năm, phân bố sinh thái rộng; tại tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận cây Thanh thất tái sinh tự nhiên và phát triển tốt trong rừng trồng Bạch đàn, Keo, rừng tự nhiên, rừng phục hồi hoặc mọc phân tán trên địa bàn các huyện trong tỉnh Bắc Giang. Mặc dù đã có những nghiên cứu về cây Thanh thất, tuy nhiên địa điểm nghiên cứu trước đây mới chỉ nghiên cứu ở một số tỉnh đại diện cho các vùng, chưa có nghiên cứu cụ thể tại Bắc Giang. Việc phát triển cây Thanh thất nhằm cung cấp gỗ lớn cũng như đảm bảo phát triển rừng bền vững, đáp ứng được chức năng môi trường, cảnh quan trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cần có những nghiên cứu cụ thể trước khi đưa ra trồng đại trà trên diện rộng.

Để có cơ sở và đảm bảo độ tin cậy trước khi đưa vào danh mục cây trồng chính của tỉnh, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu, gây trồng thử nghiệm cây Thanh thất (Ailanthus triphysa (Dennst) Alston) phục vụ trồng rừng gỗ lớn và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” là thực sự cần thiết và cấp bách hiện nay./.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/