Sáng ngày 26/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh kiểm tra tình hình sản xuất vải thiều tại huyện Lục Ngạn. Cùng đi có lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công thương.
Năm 2015, diện tích vải thiều toàn huyện Lục Ngạn là 17.800 ha (trong đó vải thiều chín sớm là 1.750 ha), sản lượng vải thiều toàn huyện ước đạt 75 nghìn tấn. Thực hiện kế hoạch triển khai 100 ha vải thiều xuất khẩu sang Mỹ, UBND huyện đã tích cực phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiến hành điều tra, khảo sát hơn 300 hộ dân trồng vải tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn), đã lựa chọn được 109 hộ dân với diện tích hơn 60 ha tại 3 thôn: Kép 1, Ngọt, Phương Sơn để cấp mã vùng xuất khẩu vải thiều.
 
Qua kiểm tra cho thấy, tỷ lệ vải ra hoa đạt trên 90%, khả năng đậu quả cao. Trao đổi với các hộ nông dân được chọn cấp mã vùng xuất khẩu, các hộ nông dân đều bày tỏ niềm phấn khởi và đang tích cực triển khai chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho hoa vải. Để đảm bảo chất lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai, hướng dẫn các hộ nông dân chăm sóc vải ra hoa theo quy trình, kỹ thuật. Đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện, tiến hành kiểm tra kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện ký cam kết không bán thuốc bảo vệ thực vật có chứa 5 nhóm hoạt chất mà phía Mỹ cấm sử dụng. Đối với các hộ dân được chọn cấp mã xuất khẩu cũng phải ký cam kết cấm dùng và làm vệ sinh vườn bãi theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh yêu cầu lãnh đạo huyện tiếp tục quan tâm, chỉ đạo kịp thời công tác phòng trừ sâu bệnh cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, tránh lạm dụng, gây mất an toàn, nhất là đối với vải thiều xuất khẩu. Việc quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung và vấn đề chuyển đổi diện tích đất cấy lúa sang đất trồng cây ăn quả lâu năm phải được tính toán kỹ lưỡng, hợp lý theo định hướng phát triển chung của huyện. Riêng xã Hồng Giang (xã được chọn làm điểm để xây dựng vùng vải thiều xuất khẩu chất lượng cao của tỉnh), UBND xã cần phối hợp với các cơ quan chức năng, làm tốt việc hướng dẫn các hộ nông dân cách ghi chép sổ nhật ký về các tác động gây ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của quả vải, kịp thời báo cáo cơ quan chuyên môn bàn biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cho bà con hiểu rõ được lợi ích của việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường lớn như: Mỹ, Singapore, Nhật Bản,… Qua đó, giúp người dân nâng cao trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật chăm sóc vải thiều nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả vải, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh./.
 
Nguyễn Miền