Hiện cả nước có hơn 100 nghìn ha vải thiều, sản lượng đạt hơn 300 nghìn tấn/năm, tập trung ở hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Trong đó, Bắc Giang đạt khoảng 190 nghìn tấn/năm. Vải tiêu thụ trong nước chiếm hơn 60%, còn lại chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường không yêu cầu cao về chất lượng, nhưng thiếu ổn định. 
 
Trước thực trạng này, cần tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu vải, tạo sự cạnh tranh, tăng giá sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Các giải pháp kỹ thuật và tổ chức sản xuất nhãn, vải đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường mới mở” đã thu hút sự quan tâm đông đảo của cán bộ, người dân vùng trồng vải. 
 
Đã có hơn 30 câu hỏi của các đại biểu nêu tại diễn đàn được ban cố vấn, nhà khoa học, doanh nghiệp giải đáp thỏa đáng như: Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho vải khi không sử dụng nhóm thuốc mà Mỹ cấm; các tiêu chuẩn để sản phẩm đủ yêu cầu xuất khẩu; công nghệ bảo quản vải; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn môi trường; so sánh chất lượng vải của nước ta và nước khác; biện pháp cách ly giữa vườn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục và các vườn khác; chính sách hỗ trợ người dân sản xuất vải xuất khẩu.... 
 
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan chức năng can thiệp việc lùi cân của tư thương khi cân vải; sớm hoàn thành lắp đặt trang thiết bị nhà sơ chế, đóng gói tại xã Hồng Giang; quản lý chặt chẽ thị trường thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng nhà máy chiếu xạ tại khu vực miền Bắc. 
 
Thông qua trao đổi tại diễn đàn, người dân cũng như cán bộ vùng vải của hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã nắm được yêu cầu để vải đủ tiêu chuẩn vào các thị trường khó tính; ý nghĩa sản xuất thực hành nông nghiệp an toàn.
 
 
 
Trịnh Lan