Dự án thí điểm bảo quản trái vải tươi sau thu hoạch bằng công nghệ màng sinh học sẽ triển khai lần đầu tiên tại tỉnh Bắc Giang.
Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết dự án thí điểm bảo quản trái vải tươi sau thu hoạch bằng công nghệ màng sinh học sẽ lần đầu tiên được triển khai tại tỉnh Bắc Giang - Ảnh: TTO
 
Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) vừa cho biết trong tuần này, dự án thí điểm bảo quản trái vải tươi sau thu hoạch bằng công nghệ màng sinh học sẽ được triển khai lần đầu tiên tại tỉnh Bắc Giang.
 
 
 
Theo đó, quy trình bảo quản trái vải tươi được triển khai theo hướng trái vải được làm sạch sơ bộ, rửa và cho vào một “màng sinh học” gồm các axit lactic, vitamin. Theo nghiên cứu của Viện, trái vải được bọc bằng màng sinh học theo hình thức kể trên có thể giữ được độ tươi ngon trong 2 tuần - 1 tháng và đảm bảo an toàn với sức khỏe. Mục tiêu của dự án cũng là kéo dài thời gian trữ vải, tránh giai đoạn rộ mùa giá thấp như hiện nay.
 
 
 
Theo các thành viên của dự án thí điểm, chi phí cho toàn bộ hệ thống bảo quản trái vải bằng màng sinh học bao gồm cả kho lạnh sẽ ở mức 700 - 800 triệu đồng, mỗi giờ sẽ xử lý được 500 kg vải và nếu nhu cầu bảo quản tăng lên có thể xử lý 10 - 15 tấn vải/ngày.
 
 
 
Đầu tháng 6 vừa qua khi đến làm việc với Bộ Khoa học công nghệ nhằm mục tiêu xuất khẩu 1000 tấn vải thiểu trong năm 2015 cho các đối tác ASEAN và Nhật Bản, Israel, ông Owada Norio (Tập đoàn ABI, Nhật Bản) cho biết tập đoàn này có công nghệ bảo quản bằng cách làm lạnh nhanh (CAS, hay còn gọi là hệ thống tế bào còn sống), theo ông Norio, hệ thống này đã được sử dụng để bảo quản nông sản, thủy sản trong vòng 1 - 3 năm và sau khi rã đông thì chất lượng và vị của thực phẩm gần tương đương như thời kỳ mới thu hoạch.
 
 
 
Ông Norio cho biết năm 2013- 2014 đã ký hợp tác với Bộ Khoa học công nghệ để bảo quản trái vải xuất khẩu vào Nhật Bàn. Sau 1 năm trữ đông, ông Norio cho biết trái vải được lấy ra rã đông sử dụng có vị ngọt và vị vải tương tự như vải tươi.
 
 
 
Ông Norio cũng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ này trong xuất khẩu trái vải VN vào Nhật bản và một số quốc gia khác trong năm 2015. Để xuất khẩu vải đi Úc và Mỹ, hiện chủ yếu sử dụng hình thức chiếu xạ diệt tế bào nấm. Tuy nhiên số lượng vải xuất khẩu đi Mỹ, Úc chưa đáng là bao so với số vải đang về chợ mỗi ngày.
 
Thu Trang