Khoa học và công nghệ (KH-CN) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản nâng lên; thu nhập của người nông dân được cải thiện đáng kể.
Triển vọng giống cây trồng mới
 
 
Vụ chiêm xuân vừa qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng phối hợp với Công ty An Việt sản xuất lúa Hoa Khôi 4 tại xã Trí Yên và Thắng Cương trên tổng diện tích 65 ha. Kết quả cho thấy, giống lúa này có nhiều ưu điểm nổi trội, đặc biệt năng suất, chất lượng khá cao.
 
Anh Hoàng Thế Văn, thôn Thanh Long, xã Trí Yên nói: “Một mẫu lúa Hoa Khôi 4 thu được hơn 2 tấn thóc, năng suất cao hơn so với những hộ cấy lúa thuần thông thường từ 50-60 kg/sào. Lúa ít sâu bệnh, hạt gạo dài, trong, dẻo, thơm ngon. Mỗi sào lúa giảm được khoảng 10 kg phân bón, ít bị nhiễm sâu bệnh so với giống lúa thuần cũ”.
 
Theo kế hoạch của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, vụ chiêm xuân năm tới huyện sẽ phối hợp với cán bộ khuyến nông cơ sở tổ chức thêm từ 2-3 mô hình sản xuất lúa Hoa Khôi 4 nhằm đưa giống này vào cơ cấu giống chính trên cánh đồng mẫu, thay thế giống lúa đã bị thoái hóa.
 
Tại xã Lan Giới (Tân Yên), Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) lần đầu tiên đưa giống lúa lai ba dòng LC25 vào sản xuất, quy mô hơn 5 ha với 29 hộ dân tham gia. Gia đình chị Nguyễn Thị Hậu, thôn Đồn Hậu cấy 5 sào giống lúa này ở vụ chiêm xuân vừa qua, năng suất đạt hơn 1 tạ hạt lai/sào, giá bán 27 nghìn đồng/kg, ngoài ra mỗi sào thu thêm được 40 kg thóc thịt.
 
Hằng năm, ngân sách tỉnh dành hơn 2 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN; trong đó 2/3 số mô hình, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả, giá trị kinh tế cao như: Lúa BG6, P6ĐB, chuối tiêu hồng, cá hỏa tiễn, lợn lai, trâu Mura...
Trừ chi phí thu lãi khoảng 2 triệu đồng/sào. Giống lúa lai 3 dòng LC25 sinh trưởng khoẻ, cứng, đẻ nhánh nhiều, có khả năng chịu rét vụ xuân, chịu hạn vụ mùa; bông to, nhiều hạt, tỷ lệ lép thấp, lá đứng, trỗ thoát, kháng sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao. UBND huyện Tân Yên sẽ nhân rộng diện tích sản xuất lên 30 ha trong vụ mùa này.
 
Không chỉ có vậy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN) đã sản xuất thành công khoai tây giống sạch bệnh bằng phương pháp khí canh. Ưu điểm lớn nhất của khí canh là việc phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ, kích thích cây sinh trưởng, phát triển mà không cần có đất.
 
Bằng phương pháp này, 3,6 nghìn cây khoai tây cho hơn 10 vạn củ giống, trung bình mỗi cây cho 30-35 củ (tăng 6 lần so với sản xuất trên đồng ruộng). Vì vậy, khoai tây giống sạch bệnh, năng suất cao, bảo đảm nguồn giống chất lượng tốt cho nông dân. Đồng thời giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. 
 
Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao
 
 
Ông Chu Thanh Sơn, Trưởng phòng quản lý KH-CN cơ sở (Sở KH-CN) cho biết: “Mỗi năm toàn tỉnh có từ 30-40 đề tài, dự án KH-CN cơ sở mang tính ứng dụng cao. Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu được nhân rộng”. Qua đó góp phần làm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, sử dụng hợp lý tài nguyên đất trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ cây trồng và vật nuôi theo hướng phát triển bền vững.
 
Theo Sở KH-CN, để khuyến khích hoạt động KH-CN, với mỗi đề tài, dự án có hiệu quả, UBND tỉnh quyết định trích 300 triệu đồng vốn ngân sách hỗ trợ nhân rộng.
Từ đó hình thành các cánh đồng, trang trại có thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể như: Mô hình sản xuất rau an toàn và hoa chất lượng cao tại phường Đa Mai và xã Song Mai (TP Bắc Giang); sản xuất lúa lai F1 ở xã Phúc Sơn (Tân Yên), nuôi cá thâm canh an toàn sinh học tại xã Xuân Phú, Lão Hộ (Yên Dũng)…
 
Để phát huy có hiệu quả ứng dụng KH-CN trong sản xuất, tại buổi hội thảo khoa học về giải pháp phát triển KH-CN tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020 diễn ra vào tháng 5 vừa qua, các đại biểu nhấn mạnh: Ngành KH-CN tỉnh cần tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH-CN, nhất là áp dụng công nghệ cao.
 
Sử dụng công nghệ trong bảo quản sau thu hoạch, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường nguồn lực, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc; hỗ trợ các tổ chức cá nhân đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị sản phẩm. Hỗ trợ các tổ chức áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đạt giải thưởng chất lượng cao, có chứng nhận đạt chuẩn chất lượng. Đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trên cánh đồng mẫu, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung./.
 Hoàng Phương http://baobacgiang.com.vn/