Trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển KT-XH của tỉnh.
Hình thành nhiều vùng nông sản hàng hóa
Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh, tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5,2% năm.
Sản lượng lương thực có hạt vượt mục tiêu đề ra, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2014 đạt 75 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2010. Cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, xuất hiện nhiều mô hình hợp tác sản xuất, liên kết chế biến, tiêu thụ nông sản.
Nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung đã hình thành như: Vải thiều, cam Đường Canh, bưởi Diễn Lục Ngạn; lúa thơm Yên Dũng; lạc giống Tân Yên, rau an toàn, rau chế biến, nấm thực phẩm ở Lạng Giang, Tân Yên; rau cần Hiệp Hòa; gà đồi, chè Yên Thế; hoa và cây cảnh ở TP Bắc Giang… Nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Chăn nuôi thủy sản phát triển mạnh theo hướng bán công nghiệp gắn với áp dụng quy trình an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những kết quả, thành tích ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang giành được trong 5 năm qua đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý. Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh tặng nhiều cờ thi đua xuất sắc; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh. Đặc biệt ngày 24 - 9 - 2014, Sở Nông nghiệp và PTNT được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2015 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt hơn 12,2 nghìn ha, sản lượng 30 nghìn tấn, tăng 8 nghìn tấn so với năm 2010. Tổng đàn lợn đạt 1,2 triệu con đứng thứ 3 cả nước, đàn gia cầm 16,1 triệu con đứng thứ 4 cả nước. Một số trang trại chăn nuôi cho thu nhập từ 6-8 tỷ đồng/năm như ở Ngọc Vân (Tân Yên), Tân Thanh (Lạng Giang), Tự Lạn (Việt Yên), Hùng Sơn (Hiệp Hòa)...
Công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu được tập trung chỉ đạo, người dân đồng tình hưởng ứng tạo điều kiện đổi mới phương thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Đến hết tháng 6-2015, toàn tỉnh dồn điền đổi thửa được hơn 5,5 nghìn ha, xây dựng được 97 cánh đồng mẫu, giá trị sản xuất tăng từ 20% trở lên so với sản xuất đại trà.
Trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành đẩy mạnh việc giao và cho thuê rừng để sản xuất lâm nghiệp, tạo điều kiện áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến. Trong 5 năm, toàn tỉnh trồng mới gần 30 nghìn ha rừng tập trung, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn đạt 37,1%.
Ở nông thôn, hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện, tư duy phát triển kinh tế của người dân thay đổi theo hướng tiến bộ, cơ cấu ngành nghề chuyển đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và phong trào thi đua Bắc Giang chung sức xây dựng NTM được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm, người dân đồng tình ủng hộ. Đến nay đã có 18 xã đạt chuẩn NTM, bình quân các xã trên địa bàn tỉnh đạt 11,7/19 tiêu chí NTM, hướng tới xây dựng huyện NTM trong giai đoạn 2015-2020.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả
Trong những năm tới, nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, của tỉnh. Vì vậy, giai đoạn 2015-2020 ngành nông nghiệp quyết tâm phấn đấu đạt và vượt mục tiêu cơ cấu nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 18 - 20% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2020 đạt 110 - 120 triệu đồng, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh thấp nhất là 95 %, tỷ lệ xã đạt NTM 35 - 40 %.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành sẽ tập trung thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chú trọng đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, gắn với tái cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản từ 3 - 4 % năm.
Quản lý chặt chẽ đất nông nghiệp theo quy hoạch, nhất là đất trồng lúa 2 vụ. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; ưu tiên phát triển công nghệ sau thu hoạch. Từng bước hình thành một số vùng sản xuất công nghệ cao, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Quản lý, bảo vệ, phát triển hợp lý 3 loại rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến. Có chính sách phù hợp đối với người dân nhận chăm sóc, bảo vệ rừng; phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt 38%.
Đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa gắn với tăng cường áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu từng bước hình thành tại mỗi huyện, thành phố một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc trưng có thương hiệu, giá trị cao, gắn với lợi thế của từng địa phương. Xây dựng NTM phù hợp khả năng huy động nguồn lực của từng địa phương gắn với củng cố, nâng cao tiêu chí NTM đã đạt được. Gắn xây dựng NTM với bảo tồn, giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống; nhân rộng mô hình hay, kinh nghiệm tốt, xây dựng từ 1 đến 2 huyện đạt tiêu chí NTM giai đoạn 2015 - 2020.
http://baobacgiang.com.vn/
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)