Trở về từ chiến trường, mang trên mình thương tật, hàng nghìn cựu chiến binh (CCB) tỉnh Bắc Giang tiếp tục thi đua sản xuất, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương.
Thắm tình đồng đội
 
 
 
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nhiều năm qua, hội viên CCB tỉnh đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực tăng gia sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế với tinh thần “xưa đánh giặc, nay xóa nghèo”.
 
 
 
Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, hàng năm Hội CCB tỉnh mở từ 3- 5 đợt tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hàng trăm hội viên; tổ chức tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.
 
 
 
Ngoài ra, Hội còn tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho hội viên có thêm điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Hiện các cấp hội CCB duy trì hoạt động 433 tổ vay vốn, giúp hơn 12,5 nghìn hộ hội viên vay vốn.
 
 
 
"Từ các mô hình hiệu quả, các thương, bệnh binh đã tích cực ủng hộ hoạt động từ thiện, xây dựng Quỹ “Tình nghĩa đồng đội”...  Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại quy mô lớn do CCB làm chủ đã tạo việc làm cho gần 8 nghìn lao động địa phương, trong đó có con em CCB, cựu quân nhân" - Ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng Ban Kinh tế (Hội CCB tỉnh Bắc Giang).
 
Cùng với tổ chức hội ở cơ sở, hoạt động của Hội Doanh nghiệp CCB, cựu quân nhân tỉnh ra đời tháng 6-2009 đến nay thu hút 125 hội viên tham gia đã nhanh chóng trở thành cầu nối chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên.
 
 
 
Đơn cử như mô hình kinh doanh tổng hợp của thương binh Hồ Minh Bình, xã Đông Phú (Lục Nam) thu nhập hơn một tỷ đồng/năm; thương binh Phạm Văn Thái, Giám đốc Công ty TNHH Thái Phát (TP Bắc Giang) chuyên sản xuất phôi thép cho thu nhập hơn một tỷ đồng/năm; thương binh Nguyễn Văn Ngôn, thôn Kiểu, xã Bích Sơn (Việt Yên) thu nhập gần 300 triệu đồng/năm từ kinh doanh dịch vụ và trồng cây ăn quả…
 
 
 
Chiến thắng đói nghèo
 
 
 
Trong chiến tranh, những người lính đã anh dũng đánh giặc, trong thời bình họ lại quyết tâm vượt qua khó khăn xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Với sự giúp đỡ của Hội CCB các cấp, thương binh Nguyễn Khắc Đảm (SN 1956), thôn Huê Vận 1, xã Bảo Sơn (Lục Nam) đã vượt lên hoàn cảnh, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Sau ngày đất nước hòa bình, ông trở về quê hương và nên duyên với bà Giáp Thị Hòa ở cùng thôn.
 
 
 
“Từ chiến trường trở về, hai bàn tay trắng, đất chỉ đủ dựng nhà, thiếu phương tiện sản xuất, sức khỏe yếu, khó khăn chồng chất khó khăn. Tôi chỉ nghĩ phải làm gì đó để không trở thành gánh nặng của vợ con và xã hội” - ông Đảm nhớ lại. Năm 2013, sau nhiều lần trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả như táo, bưởi, cam đường canh không thành công, ông Đảm mạnh dạn nhờ Hội tín chấp cho vay 50 triệu đồng để chuyển sang trồng giống ổi Đài Loan.
 
 
 
Không quản nắng mưa, sớm tối, ông nhiều lần đến Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội) học kỹ thuật trồng, chăm sóc ổi. Ngoài ra, người cựu binh còn tìm trong sách vở, truyền hình hoặc Internet để học hỏi kinh nghiệm. Đất không phụ công người, với gần 2 nghìn m2 ổi Đài Loan, hiện mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng.
 
 
 
Được biết, toàn tỉnh có 103 nghìn hội viên CCB. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế giỏi đã lan tỏa rộng khắp, giúp nhiều hội viên vươn lên làm giàu chính đáng.
 
 
 
Đỗ Quyên - Mai Toan  http://baobacgiang.com.vn/