Ngày 15-8, tại hai xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên và xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp với người trồng vải.
Theo nguyện vọng của người dân, các nhà khoa học: Nguyễn Tiến Ky, Viện Nghiên cứu Đào tạo và Tư vấn Khoa học công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Tiến sĩ Đinh Văn Đức, nguyên Phó trưởng Phòng Dịch hại cây công nghiệp (Cục Bảo vệ thực vật) hiện là chuyên gia Chương trình bạn của nhà nông trên VTC16; đại diện lãnh đạo Tập đoàn Quế Lâm (TP Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất phân bón hữu cơ và nông sản an toàn xuất khẩu đã đối thoại với người trồng vải.
 
 
 
Vấn đề được nhiều người dân quan tâm và các nhà khoa học đi sâu phân tích, giải đáp là các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vải thiều như: Hiện tượng quả rụng khi thời tiết mưa nhiều và cách phòng trị; cơ chế gây hại của sâu đục cuống quả, bọ phấn trắng; phương pháp pha hỗn hợp các loại thuốc trừ sâu, bệnh để đạt hiệu quả cao; thời điểm để cây vải phát lộc tốt nhất.
 
 
 
Cùng đó, các nhà khoa học nêu rõ lợi ích và hướng dẫn cặn kẽ biện pháp chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc thảo mộc trên cây trồng.
 
 
 
Qua buổi đối thoại, lãnh đạo huyện Tân Yên nhấn mạnh, năm 2015, vải sớm Tân Yên bị sâu đục cuống quả hại nặng làm giảm chất lượng và hiệu quả kinh tế; đồng thời khẳng định mô hình sử dụng thuốc thảo mộc rất hiệu quả.
 
 
 
Với sự hỗ trợ về kỹ thuật của các nhà khoa học, thời gian tới, huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Anisaf Sh01 cho 3 ha vải tại xã Phúc Hòa, trên cơ sở đó nhân rộng ra toàn huyện. Các nhà khoa cũng cam kết tiếp tục đồng hành cùng chính quyền sở tại, người dân để sản xuất vải có chất lượng cao.
 
 
 
Qua đây đã mở ra triển vọng xây dựng quy trình sản xuất theo chuỗi, hướng đi mới bền vững cho vải thiều.         
 
 
 
Trịnh Lan http://baobacgiang.com.vn/