Năm 2015, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… góp phần nâng giá trị xuất khẩu đạt 83 triệu USD, tăng 10 triệu USD so với năm trước. Đây là kết quả của việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản của Bắc Giang trong thời gian qua.
Chú trọng thị trường trong nước
 
 
 
Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang Phan Văn Hùng cho biết: Năm nay, với tổng diện tích gần 32 nghìn ha, sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt 188 nghìn tấn quả tươi. Do đặc tính của vải thiều thường chín rộ trong thời gian ngắn, vì vậy để tiêu thụ hết sản lượng và với giá cao, tạo điều kiện cho người trồng vải có lãi, ngay từ đầu vụ sở đã tập trung tiếp thị sản phẩm tại các tỉnh lân cận, các thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng.
 
 
 
Đồng thời, sở cũng phối hợp Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với các bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hải Dương và TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại TP Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa thương nhân tiêu thụ vải của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương với Hiệp hội các nhà bán lẻ, Sở Công thương các tỉnh phía nam để tăng tiêu thụ vải tại các siêu thị, chợ đầu mối...
 
 
 
Qua công tác tiếp thị đã xác định được tương đối chính xác tổng số lượng vải tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 85 nghìn tấn. Trong đó, riêng thị trường TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía nam tiêu thụ khoảng 51 nghìn tấn, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
 
 
 
Do công tác chuẩn bị tốt, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng của tỉnh và các tỉnh bạn, cho nên công tác tiêu thụ vải thiều năm 2015 đã đạt kết quả cao, nhờ vậy người trồng có lãi, doanh thu lớn. Với giá trung bình ước đạt 15.400 đồng/kg, cao hơn năm trước gần 3.000 đồng/kg, vụ vải vừa qua Bắc Giang có doanh thu khoảng: 2.895 tỷ đồng (tương đương 137,9 triệu USD) cao hơn năm 2014 khoảng 25 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 83 triệu USD, cao hơn năm trước gần 10 triệu USD.
 
 
 
Mở rộng thị trường xuất khẩu
 
 
 
Lý giải về việc giá trị xuất khẩu vải thiều năm nay tăng cao hơn năm trước, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang chia sẻ: Nếu những năm trước vải thiều của tỉnh xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu, còn lại là các nước ASEAN như: Lào, Cam-pu-chia, Thái-lan, Xin-ga-po... Nhưng năm nay, một số thị trường mới, khó tính như: Mỹ, Ô-xtrây-li-a… đã chấp nhận mở cửa cho vải thiều vào.
 
 
 
Nắm lấy cơ hội này, Sở Công thương tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tổ chức đoàn công tác đến làm việc với các ngành chức năng của các tỉnh biên giới phía bắc để bàn các biện pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ vải thiều cho các thương nhân sang thị trường Trung Quốc; tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ tại các tỉnh có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc như Lạng Sơn, Lào Cai, có sự tham gia của các ngành chức năng tỉnh Bằng Tường, huyện Hà Khẩu (Trung Quốc).
 
 
 
Qua đó, cam kết hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi về an ninh, trật tự, an toàn cho các thương nhân, nhất là thương nhân Trung Quốc đến thu mua, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu vải thiều; hỗ trợ kết nối tiêu thụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc. Mặt khác Bắc Giang đã chủ động hướng tới các thị trường khó tính, nhưng hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
 
 
 
Để đạt mục tiêu đề ra, Sở Công thương tỉnh đã chủ động, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện trồng vải tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, có những việc cần làm ngay đó là tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành để ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong phát triển sản xuất, quy hoạch vùng vải GlobalGap, mở rộng vùng vải theo tiêu chuẩn VietGap.
 
 
 
Hiện nay toàn tỉnh có 12 nghìn ha vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và 100 ha tại huyện Lục Ngạn sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Phát triển và bảo hộ thương hiệu vải thiều Lục Ngạn tại một số nước; lựa chọn ứng dụng công nghệ tiên tiến để kéo dài thời gian bảo quản vải thiều tươi và triển khai công tác xúc tiến thương mại để xuất khẩu sang các thị trường mới, khó tính.
 
 
 
Nhờ làm tốt công tác tiếp thị, các doanh nghiệp xuất khẩu đã xuất các lô hàng đầu tiên 150 tấn vải tươi vào các thị trường: Mỹ, Pháp,Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a.. được phía khách hàng đánh giá cao, mở ra triển vọng mới trong tiêu thụ vải thiều trong những năm tiếp theo.
 
 
 
Để sản xuất bền vững
 
 
 
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang Phan Văn Hùng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, để sản xuất bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, trong thời gian tới tỉnh Bắc Giang trước hết sẽ ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap.
 
 
 
Bên cạnh đó, cần chuyển dịch cơ cấu phù hợp cho nhiều loại vải thiều nhằm kéo dài mùa vụ, khắc phục tính mùa vụ cao; chuyển đổi các khu vực vải thiều kém chất lượng sang cây trồng khác. Đồng thời tiếp cận, ứng dụng công nghệ CAS (Cells Alive System), công nghệ bảo quản tế bào do Công ty ABI (Nhật Bản), công nghệ Juran của I-xra-en nghiên cứu và sáng chế, trong bảo quản vải thiều và các công nghệ bảo quản tiên tiến khác, nhằm phục vụ cho xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước Trung Đông, EU,...
 
 
 
Cùng đó, một mặt tỉnh duy trì và tập trung khai thác các thị trường truyền thống, mặt khác chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường mới; xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiệu quả, kết nối với các đối tác lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ vải thiều lâu dài và ổn định.
 
 
 
Đặc biệt sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu vải thiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của các ngành, các cuộc hội chợ, triển lãm... Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh và các bộ, ngành chức năng để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các đối tác tiêu thụ vải thiều lớn, có uy tín trong và ngoài nước.
 
 
 
Theo Mai Linh/ND