Trước những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong sản xuất, nhiều nông dân Bắc Giang đã mày mò nghiên cứu, tìm ra những giải pháp độc đáo để khắc phục. Những sáng tạo đó đã và đang được ứng dụng, góp phần tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.
Bắt cam ra quả theo ý muốn
 
 
 
Vượt qua 32 giải pháp dự thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh lần thứ VI", giải pháp “Xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam Đường Canh” của nông dân Bùi Đức Long, phố Kép, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) đã giành giải Nhất. Ông Long còn được biết đến là một tỷ phú cam Đường Canh với 5 ha cam.
 
 
 
Theo ông Long, cam Đường Canh là cây trồng “khó tính”, đòi hỏi đầu tư công sức, kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ. Vì thế, bao nhiêu năm gắn bó với cây cam là bấy nhiêu năm ông luôn mày mò tìm ra phương pháp mới nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng quả. Đáng kể nhất là ông đã thành công với cách xử lý cho cây cam sai quả theo ý muốn.
 
 
 
 Tại lễ trao giải cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh lần thứ VI do Hội Nông dân tỉnh tổ chức tháng 8 vừa qua, toàn tỉnh có 7 nông dân đoạt giải ở các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí.
 
Hiểu rõ đặc tính sinh trưởng riêng biệt của cam Đường Canh là phải làm cho cây suy yếu một thời gian ngắn thì mới phân hóa mầm hoa và đậu quả. Vì thế, hằng năm vào cuối tháng 11, khi cây gần hết lộc non, gia đình thuê vài chục lao động đào rễ cây; chi phí 200-250 nghìn đồng/ngày công. Những cây không kịp khoanh rễ ra ít hoa, có cây không đậu quả, nếu kỹ thuật không thành thục có thể làm chết cây.
 
 
 
Bằng kinh nghiệm tự đúc rút qua nhiều năm, năm 2010, ông Long thử nghiệm tưới kali clorua trên 20 cây cam, sau 10 ngày lá cây chuyển màu xanh sang vàng, ông dùng dao mỏng tiện một vòng cách gốc 0,4 cm để cây suy yếu tạm thời, tích tụ dinh dưỡng và kích thích ra hoa. Sau 15-20 ngày, khi cây phân hóa mầm hoa thì phun kích thích tố hoa trái theo khuyến cáo. Kết quả thật bất ngờ, năm ấy cả 20 cây cam đều sai quả. Những năm sau, ông áp dụng cách làm này cho cả vườn cam, kết quả đạt tốt.
 
 
 
Ông Long cho biết: “Phương pháp mới có ưu điểm là cây ra hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả đạt 95%, cây ít mắc bệnh, năng suất tăng, mã quả đẹp, mọng nước, không bị nứt, bán được giá. Chi phí nhân công cho việc chăm sóc 1 ha giảm được 15 triệu đồng. Nhiều năm nay, gia đình tôi luôn có thu nhập ổn định từ vườn cam với mức 2 tỷ đồng/năm”. Ông Long tích cực chia sẻ kinh nghiệm, tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng.
 
 
 
Thuốc cho thỏ từ cây nhà, lá vườn
 
 
 
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Đặng Đình Hùng, thôn 9, xã Việt Tiến (Việt Yên) đã thành công với giải pháp chữa bệnh nấm cho thỏ bằng thảo dược. Cách đây 2 năm, ông Hùng đầu tư hàng chục triệu đồng làm chuồng trại, mua 10 cặp thỏ bố mẹ về nuôi. Thế nhưng chỉ được 1 tuần, một số con bị nấm da, lở loét, kém ăn, gầy yếu và lây nhanh sang cả đàn.
Tìm hiểu được biết bệnh này chưa có vắc-xin phòng và thuốc đặc trị, nếu không chữa kịp thời thỏ sẽ chết hàng loạt. Song do thuốc chưa bán rộng rãi trên thị trường, giá lại quá đắt nên hiệu quả chăn nuôi giảm rõ rệt.
 
 
 
Không chịu bó tay, trong một lần xem ti vi giới thiệu về vườn cây thuốc quý của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông thấy nói đến cây khổ sâm. Ông nhớ mẹ ông từng bị sâu nước ăn chân nặng, chữa cả tháng không thuyên giảm, bà nội ông đã lấy cây khổ sâm giã lấy nước với vài hạt muối đắp vào chỗ lở loét đã chữa khỏi.
 
 
 
Nghĩ vậy, ông ra vườn hái nắm lá cây khổ sâm, rửa sạch, giã nhỏ với chút muối và đắp lên từng vết thương cho thỏ. "Sau 2 ngày đắp thuốc, các vết loét khô dần, sau đó lại đắp thuốc và bóc vẩy khô và lại đắp lại. Sau đúng 1 tuần, cả đàn thỏ đã khỏi bệnh hoàn toàn”- ông Hùng nói.
 
 
 
Được biết, bệnh nấm da hay xảy ra ở thỏ khi các hộ dân nuôi trong môi trường ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Bằng bài thuốc dân gian này, ông Hùng còn trực tiếp chữa khỏi bệnh cho nhiều đàn thỏ của các hộ trong và ngoài tỉnh. Ban Giám khảo cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ VI” đã trao giải Ba cho giải pháp này của ông Hùng.
 
 
 
Hải Minh http://baobacgiang.com.vn/