Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản của tỉnh Bắc Giang đã được quan tâm thực hiện. Đây là việc làm cần thiết giúp bảo hộ quyền sở hữu; ngăn chặn việc làm giả, làm nhái sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi được bảo hộ, nhiều nhãn hiệu chưa phát huy được giá trị.
Chỉ làm quà biếu
 
 
 
Năm 2011, sản phẩm gạo thơm Yên Dũng của Hội Sản xuất và Tiêu thụ gạo thơm Yên Dũng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Sau đó, UBND huyện chỉ đạo Hội xây dựng quy chế hoạt động, sử dụng nhãn hiệu; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ in hơn 1 tấn bao bì sản phẩm.
 
 
 
Hằng năm, ngân sách huyện cũng chi hơn 50 triệu đồng giúp Hội quảng bá hình ảnh. Tuy nhiên, đến nay thương hiệu Gạo thơm Yên Dũng vẫn chưa được nhiều người biết đến, chưa có chỗ đứng vững trên thị trường. Việc sử dụng bao bì sản phẩm chủ yếu phục vụ đóng gói gạo làm quà biếu.
 
 
 
Cũng được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2009 nhưng đến nay sản phẩm mang nhãn hiệu mỳ Kế hầu như vắng bóng trên thị trường. Ông Giáp Đông Phong, Chủ nhiệm HTX Sản xuất mỳ gạo Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) cho biết: “Khi mới thành lập HTX có 42 xã viên là những hộ làm mỳ tham gia xây dựng và phát triển thương hiệu song chỉ duy trì hoạt động được vài tháng rồi ngừng hẳn". Hiện nay còn duy nhất hộ ông Phong sử dụng nhãn hiệu mỳ Kế. Gia đình ông phải tự bỏ kinh phí in bao bì khiến giá thành cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.
 
 
 
Toàn tỉnh hiện có 22 sản phẩm nông sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. 13 sản phẩm nông sản khác đang chờ cấp. Sở Khoa học và Công nghệ đã tranh thủ nguồn kinh phí thực hiện 6 dự án khoa học hỗ trợ các huyện, thành phố xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.
Chọn những sản phẩm thế mạnh
 
 
 
Theo kế hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 80% sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; mỗi huyện, thành phố có từ 2 đến 3 sản phẩm được bảo hộ. Khi xây dựng nhãn hiệu, UBND các huyện, thành phố thành lập hội, HTX sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan; thuê tư vấn, thiết kế lô gô, bản đồ sản phẩm, nộp các khoản thuế, phí theo quy định; tổng kinh phí lập hồ sơ xin cấp một văn bằng bảo hộ từ 10 đến 20 triệu đồng.
 
 
 
Để hoàn thành chỉ tiêu số lượng văn bằng được cấp không khó, nhưng để nhãn hiệu hàng hóa trở thành thương hiệu nông sản cần có cách làm đồng bộ, hiệu quả hơn, nhất là việc đầu tư thích đáng cho công tác tuyên truyền, quảng bá, tạo dựng kênh phân phối, tiêu thụ ổn định.
 
 
 
Hiện nay một số hội, HTX có thành viên chủ yếu là lãnh đạo, nhân viên các phòng, ban trong huyện tham gia. Mỗi năm dù được UBND huyện hỗ trợ hàng chục triệu đồng nhưng hầu như không hoạt động, nhiều nông sản vẫn được tiêu thụ mà không cần đóng gói bao bì, nhãn hiệu. Chỉ có một số ít nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến như gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ… còn lại chỉ duy trì ở quy mô hộ gia đình, các hộ tự tiêu thụ theo kênh phân phối riêng, khó quản lý chất lượng, sản xuất tập trung. Một số nhãn hiệu, sản phẩm còn "chết yểu" sau khi được bảo hộ nhãn hiệu như: Gà sạch Đức Giang (Yên Dũng), mỳ sạch (Lục Ngạn)…
 
 
 
Tại huyện Lục Ngạn - nơi có nhiều nhãn hiệu hàng hóa nông sản nhất tỉnh với 7 sản phẩm nhưng không phải sản phẩm nào cũng phát triển thành thương hiệu. Chẳng hạn đặc sản rượu Kiên Thành là hàng hóa tiêu thụ đặc biệt, nếu gắn nhãn hiệu lên sản phẩm sẽ kéo theo một loạt chi phí kiểm định, quản lý. Gạo nếp Phì Điền được đánh giá cao về chất lượng, được nhiều người ưa chuộng nhưng diện tích canh tác đang bị thu hẹp do nhiều hộ chuyển sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, UBND huyện chỉ tập trung đầu tư vào các sản phẩm chủ đạo như: Vải thiều, mỳ Chũ với tổng số tiền hàng tỷ đồng/năm giúp người dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
 
 
 
Tuy nhiên chỉ nên xây dựng với những sản phẩm thực sự tiêu biểu, có tiềm năng sản xuất thành hàng hóa, có khả năng cải tiến kỹ thuật, tăng trưởng về sản lượng, chất lượng. Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác quảng bá giúp nâng cao giá trị nhãn hiệu nông sản. Đặc biệt, cần phát huy tính sáng tạo, chủ động của các hội, HTX trong tiêu thụ sản phẩm nông sản.
 
 
 
Văn Thương http://baobacgiang.com.vn/