Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, những năm qua, nhiều cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tích cực tăng gia sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi phương thức chăn nuôi, làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương. Một buổi sáng tháng 10, chúng tôi tìm tới gia đình CCB Nguyễn Văn Sơn, thôn Nội Hạc, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, người đã thành công với mô hình nuôi ếch Thái Lan thương phẩm kết hợp thả cá, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng, mở ra triển vọng phát triển bền vững cho người chăn nuôi. Nhập ngũ tháng 7 năm 1980, tham gia trực chiến và sản xuất ở biên giới phía Bắc thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 69, Sư đoàn 311, Quân khu 1, năm 1981 ông Nguyễn Văn Sơn được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam do có thành tích xuất sắc trong công tác. Sau 4 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông xuất ngũ trở về địa phương, xây dựng gia đình và phát triển kinh tế. Lúc bấy giờ cuộc sống thôn quê còn nhiều khó khăn vất vả, chưa ai nghĩ đến chuyện làm giàu từ chăn nuôi, nhưng ông lại là người đi tiên trong thôn, mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế nuôi lợn, gà, ngan với quy mô có lúc lên tới hàng trăm con. Tuy nhiên, công việc chăn nuôi không phải lúc nào cũng thuận lợi, có những năm dịch bệnh khiến đàn vật nuôi chết hàng loạt, hàng tấn gà, ngan phải tiêu hủy. Thất bại không nản chí, CCB Nguyễn Văn Sơn đã chuyển hướng chăn nuôi bằng mô hình nuôi ếch thương phẩm kết hợp thả cá. Để phát triển mô hình kinh tế mới, ông Sơn đã tới các tỉnh bạn để tham quan thực tế một số mô hình, tìm hiểu kỹ thuật, nguồn cung ứng giống đảm bảo chất lượng. Nhận thấy cách làm này phù hợp với điều kiện của gia đình, tháng 5 - 2014, ông mạnh dạn liên hệ với Công ty TNHH Phú Cường, trụ sở tại Sóc Sơn (Hà Nội) mua 5.000 con giống về nuôi, đồng thời đặt vấn đề về liên kết bao tiêu sản phẩm. Trên diện tích khoảng 10m2 mặt nước, ông chia thành 3 ô nuôi, đóng thành bè, dàn tráng để nuôi ếch, rồi đóng cọc và quây lưới xung quanh. Sau 3 tháng, lứa ếch thương phẩm đầu khá thành công, thu hoạch được trên 1 tấn, với giá 45 nghìn đồng/kg, trừ chi phí ông thu lãi hơn 20 triệu đồng. Năm 2015, ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, với khoảng 1 vạn con, cho thu hoạch hơn 2 tấn ếch, lãi hơn 40 triệu đồng; khoảng 1 vạn con lứa kế tiếp sẽ được xuất bán sau 1 tháng nữa. Độc đáo trong cách chăn nuôi của ông Sơn là sự kết hợp trên ếch, dưới cá bởi thức ăn rơi vãi, chất thải của ếch sẽ là nguồn thức ăn cho cá, góp phần giảm chi phí thức ăn, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi và dịch bệnh xảy ra. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi, CCB Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Căn cứ vào độ rộng vừa phải của tráng nuôi ếch mà biết cách làm cho tráng xấp xỉ mặt nước. Trong đó, chú trọng tới việc tránh để nước ngập sâu. Đây là điểm lưu ý đặc biệt nhằm mục đích để ếch không ăn lẫn nhau khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, để tiện cho việc chăm sóc, khi nuôi cần tách các loại ếch lớn, nhỏ thành từng ô riêng để tránh sự cạnh tranh thức ăn dẫn đến tình trạng chậm lớn”. Ông Sơn cũng cho biết thêm: “Vào thời điểm mùa mưa, ếch dễ bị nhiễm bệnh do độ axít cao. Ngoài ra, nước ao dâng tráng ếch sẽ bị ngập, diện tích tráng thu hẹp lại nên khả năng hô hấp của ếch bị hạn chế. Đặc biệt, phải tốn thêm công chăm sóc, nâng lại tráng, mở rộng và làm mới tráng để ếch có điều kiện phát triển tốt nhất. Mặt khác, để các loài vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, sau mỗi đợt thu hoạch phải khử trùng lồng bè, ao nuôi bằng chế phẩm sinh học”. Qua thực tế chăn nuôi, ông nhận thấy ếch Thái Lan thích nghi với môi trường ở địa phương; tỷ lệ sống đến khi thu hoạch đạt hơn 90%, ít bị bệnh, trọng lượng đạt 2,5g/con. Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Nguyễn Văn Sơn còn luôn tích cực trong các công tác xã hội, là người tiên phong trong mọi hoạt động của địa phương, tuyên truyền vận động người dân cùng tham gia phát triển kinh tế mà chính anh là người trực tiếp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống cho những hộ có nhu cầu nuôi ếch trong xã, với mong muốn hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và thu hút được các doanh nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Tại Nội Hạc, đã có thêm nhiều hội viên Hội CCB học tập và làm theo. Với phương trâm phải thành công hơn nữa trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương, CCB Nguyễn Văn Sơn có dự định, trong thời gian tới, gia đình sẽ đầu tư mở rộng mô hình nuôi ếch và lươn trên cạn. Thành công của mô hình đã mở ra hướng đi mới trong việc xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới./. Huyền Trang