Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tìm được đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện để người nông dân yên tâm sản xuất là bài học thành công của anh Trần Văn Tú, sinh năm 1962, thôn Đông Bến, xã Quế Nham, huyện Tân Yên, Bắc Giang với mô hình trồng, nhân giống và bao tiêu cây dược liệu kim tiền thảo. Kim tiền thảo được biết đến là cây họ đậu, được dùng làm nguồn dược liệu quan trọng để điều trị các bệnh như sỏi mật, sỏi thận, khó tiêu... Cây có tập tính sống theo dạng bò lan trên mặt đất, nên còn có tác dụng tái tạo, chống xói mòn, giữ nước và bảo vệ đất. Thực tế hiện nay, gần 90% số dược liệu được kinh doanh và sử dụng trong nước đang phải nhập từ nước ngoài. Sớm nhận ra tiềm năng của việc phát triển cây dược liệu, anh Tú đã tạo nên mô hình trồng và nhân giống cây dược liệu của riêng mình. Anh Trần Văn Tú đến với cây dược liệu rất tình cờ, như cái duyên tiền định. Khởi nghiệp từ việc thu mua cây dược liệu từ nhiều nơi để cung cấp cho các công ty dược, các nhà thuốc gia truyền kiếm lời, ổn định cuộc sống. Trong quá trình này, anh đặc biệt chú ý tới cây kim tiền thảo, bởi đây là loại cây cho thu nhập khá ổn định. Năm 2002, anh Tú nảy sinh ý tưởng xây dựng mô hình trồng cây dược liệu kim tiền thảo trên đồng đất địa phương. Như những người dân xã Quế Nham bây giờ, để nâng cao hiệu quả giá trị sử dụng đất canh tác, anh Tú trồng xen kim tiền thảo với cây lạc, cây hành chiêm. Anh chia sẻ: “Kim tiền thảo thích hợp trồng ở các chân ruộng cao, sườn đồi, khó khăn về nước tưới. Kim tiền thảo thường trồng bằng hạt, gieo hạt từ tháng 3 - 4 dương lịch. Trước khi gieo cần ngâm hạt trong nước ấm 40 - 500C (3 sôi + 2 lạnh) trong 3 - 4 giờ, vớt ra để ráo. Trộn hạt với tro, cát hay đất mịn khô đem gieo thẳng, lấp đất kín hạt dày 2 - 3cm, sau đó rải một lớp rơm rạ mỏng lên mặt luống. Lượng hạt gieo khoảng 1kg/ha. Sau gieo khoảng 10 - 15 ngày là hạt nảy mầm. Chăm sóc và đảm bảo đủ ẩm cho đất. Khi cây được 3 - 4 lá thì bắt đầu tỉa dặm; 5 - 10 lá nhổ cỏ, vun xới; cây cao 10 - 15cm thì có thể tiến hành tỉa thưa và trồng giặm cho các chỗ còn trống. Nên tạo khoảng cách giữa các cây từ 30 - 40cm. Phải chú ý bón bổ sung thêm NPK. Kim tiền thảo ít sâu bệnh, nó chỉ bị lụi đi khi mùa đông tới. Kim tiền thảo sau trồng khoảng tháng 6 - 7 bắt đầu ra hoa, đây cũng là thời điểm cho thu hoạch. Chúng ta cắt toàn bộ phần thân cây ở phía trên, loại bỏ các lá khô, lá vàng úa và đem rửa sạch rồi phơi, sấy cho khô. Với giá bán 1kg kim tiền thảo khô giao động từ 12 - 15 nghìn đồng, 1 sào sẽ cho thu hơn 6 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với cấy lúa. Mặt khác, kim tiền thảo trồng 1 lần có thể thu hoạch trong nhiều năm. Thường 2 - 3 năm hoặc có thể lâu hơn mới phải trồng lại nếu nơi đất tốt hoặc đảm bảo các điều kiện chăm sóc đầy đủ, cẩn thận”. Nhận thấy kim tiền thảo dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cao nên gia đình anh Tú mở rộng diện tích trồng, từ hơn 1 sào kim tiền thảo ban đầu, đến nay đã tăng lên 5 mẫu. Mặt khác, anh Tú còn vận động bà con nông dân trong thôn, xã cùng làm. Anh đứng ra cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện nay, trên địa bàn xã Quế Nham có hơn 10 mẫu cây dược liệu kim tiền thảo được bà con trồng xen canh với cây hành, tỏi. Một số hộ dân ở Lan Giới và An Dương, huyện Tân Yên cũng đã tìm tới anh để học hỏi và đưa cây dược liệu này về trồng. Trong thời gian tới, Trần Văn Tú dự định sẽ mở rộng diện tích trồng các loại cây dược liệu quý khác. Bên cạnh đó, anh tiếp tục tăng cường việc mở rộng liên kết với các công ty dược để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ gia đình trồng dược liệu. Là người đã có hơn 10 năm duy trì mô hình trồng, nhân giống và bao tiêu cây dược liệu kim tiền thảo, cái tên Trần Văn Tú đã quá quen thuộc với người dân xã Quế Nham và anh được mọi người gọi một cách trìu mến: “Bà đỡ cho cây kim tiền thảo”. Mô hình trồng cây dược liệu ở Quế Nham đã và đang mở ra hướng đi mới cho người dân, góp phần góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình. Huyền Trang
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)