Ở phía Bắc, nói tới cây su su, người ta thường chỉ biết đến su su Tam Đảo, Mộc Châu hay Sapa. Thế nhưng ở tỉnh Hòa Bình, có một vùng chuyên canh cây su su với diện tích rất lớn ở huyện Tân Lạc mà có thể nhiều người chưa biết.
Quyết Chiến là xã vùng cao của huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), với gần như 100% dân số trong xã là người Mường. Xã nằm trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Puông, với độ cao trung bình 600-800m so với mặt nước biển.
Nhờ độ cao lớn, khí hậu ở Quyết Chiến quanh năm mát mẻ, nền nhiệt độ thường xuyên thấp hơn so với nền nhiệt chung trong vùng từ 4-5 độ C. Thời tiết ở Quyết Chiến thoắt nắng thoắt mưa, với những đợt sương mù dày đặc thoắt ẩn, thoắt ùa về bất chợt trong ngày. Quyết Chiến giống như một “Tam Đảo” thứ hai ở tỉnh Hòa Bình.
Thực tế, cây su su đã có mặt ở xã Quyết Chiến khá lâu và trải qua không ít thăng trầm. Nhìn ra lợi thế khí hậu khá tương đồng với Tam Đảo, từ năm 2007-2008, Sở KH-CN tỉnh Hòa Bình đã thí điểm triển khai đưa cây su su về trồng thử nghiệm tại xã Quyết Chiến với diện tích 0,6 ha. Kết quả cho thấy su su sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng không thua kém so với Tam Đảo.
Biết cây su su có thể trồng được ở Quyết Chiến, phong trào mở rộng diện tích trồng su su ào ạt nổ ra ở xã Quyết Chiến. Chỉ 1-2 năm sau, diện tích tăng đã lên khá lớn, trong khi đầu tiêu thụ cho sản phẩm ngọn su su lại hoàn toàn bế tắc do người dân chỉ có thể tiêu thụ được trong vùng, bị thương lái ép giá, có lúc chỉ còn 1.000 đ/kg nên có hộ đã phá su su để quay lại trồng ngô.
Phải đến năm 2012, khi HTX Rau an toàn Quyết Chiến được thành lập nhằm liên kết SX, tìm đường tiêu thụ cho su su, thì cây trồng này mới bắt đầu tạo được chỗ đứng vững vàng. Biết được ở Quyết Chiến cũng có lợi thế trồng su su, một số nông dân tại vùng su su ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cũng đã tìm đến Quyết Chiến thuê đất trồng su su. Qua đó, nông dân địa phương ở xã Quyết Chiến cũng dần học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong SX, thu hoạch su su. Đến nay, bà con người Mường trong xã đã nắm khá chắc về quy trình kỹ thuật trồng su su lấy ngọn...
Hiện tổng diện tích su su toàn xã đã được mở rộng lên tới gần 70ha (chiếm 1/3 tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã), trong đó 100% là su su phục vụ lấy ngọn.
Ông Bùi Văn Bền, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cho biết: Kể từ khi có cây su su, bộ mặt đời sống của người dân trong xã đã thay đổi rõ rệt. Trước năm 2013, đất nông nghiệp trong xã chủ yếu trồng ngô, nhưng trồng ngô có năm mất mùa còn lỗ nặng. Với cây su su, đầu tư ban đầu gồm giống, lưới che, giàn, phân bón..., tổng chi phí khoảng 150 triệu đồng/ha (chu kỳ khai thác 2 năm). Tuy nhiên ngay trong năm đầu, thu nhập bình quân từ cây su su đã khoảng 300 triệu đồng/ha (trừ chi phí đầu tư, lãi năm đầu khoảng 150 triệu/ha). Tính chung cả chu kỳ 2 năm, mỗi ha su su cho thu lãi bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.
Su su cũng là cây dễ trồng, gần như không có sâu bệnh, lại thu hoạch gần như quanh năm (kéo dài chính vụ từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm), vì thế người dân luôn có thu nhập thường xuyên. Với bình quân mỗi hộ trong xã hiện trồng từ 3.000 – 5.000 m2 su su lấy ngọn, mỗi năm cũng cho thu nhập từ 60-100 triệu đồng/hộ. “Nhờ có cây su su, đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trong xã đã đạt 20 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với 5 năm trước” – ông Bùi Văn Bền phấn khởi.
Cần một thương hiệu
Theo chị Đinh Thị Quyết, GĐ HTX Rau an toàn Quyết Chiến, mặc dù HTX đã đi vào hoạt động 7 năm, với hoạt động chủ yếu là cung ứng vật tư phân bón, hướng dẫn giám sát kỹ thuật và thu mua tiêu thụ ngọn su su cho bà con trong xã, tuy nhiên, SX su su ở Quyết Chiến vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là chưa có nhiều người biết đến.
Với năng suất ngọn su su bình quân từ 50-60 tấn/ha/năm, hiện mỗi ngày toàn xã thu hoạch bình quân khoảng 15-20 tấn ngọn su su. Tuy nhiên, lượng rau su su tiêu thụ thông qua kênh của HTX chỉ chiếm khoảng 1,5-2 tấn/HTX/ngày (cả hai HTX chỉ khoảng 3-4 tấn/ngày), trong đó bán theo hợp đồng ổn định cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội chỉ khoảng 4-5 tạ/ngày. Còn lại, đa số bà con vẫn phải bán cho các tư thương đến từ nhiều tỉnh, trong đó đa số là các thương lái của tỉnh Vĩnh Phúc do họ đã có nhiều kinh nghiệm và đầu mối tiêu thụ rau su su...
“Hiện nay, su su trong xã canh tác hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại thuốc BVTV nào. Xét về năng suất, chất lượng không thua kém bất kỳ su su ở nơi nào. Tuy nhiên do khâu tiêu thụ còn rất khó khăn, vì thế hiện HTX mới chỉ thu mua cho bà con ổn định ở mức giá 5.000 đ/kg. Bên cạnh đó, do su su Tam Đảo đã có thương hiệu, nên có tình trạng thương lái thu mua su su tại Quyết Chiến, sau đó trà trộn và lấy thương hiệu là su su Tam Đảo để bán. Đây là điều mà nông dân và HTX rất trăn trở” - chị Đinh Thị Quyết, GĐ HTX Rau an toàn Quyết Chiến phân trần.
Cũng theo chị Quyết, mặc dù điều kiện khí hậu, đất đai rất thích hợp để trồng su su, tuy nhiên gần 70ha su su toàn xã đa số vẫn chưa chủ động được nguồn nước tưới, trong đó nhiều diện tích vẫn nhờ “nước trời”, chưa có điều kiện đầu tư hệ thống tưới ngầm, tưới phun, nhỏ giọt như các vùng chuyên canh su su ở Tam Đảo, Mộc Châu. Bên cạnh đó, do hệ thống thủy lợi, tiêu thoát nước còn hạn chế nên khi có mưa lớn, gây ngập úng cho một số diện tích su su trong xã. HTX Rau an toàn Quyết Chiến cũng chưa được ưu tiên hỗ trợ hạ tầng để xây nhà sơ chế cố định, chưa có vốn để đầu tư kho lạnh bảo quản dự trữ rau su su nhằm điều tiết và ổn định sản lượng trong tiêu thụ...
Theo Nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)