Tuy mới chuẩn bị bước vào đầu vụ ĐX 2019-2020 nhưng giống lúa OM18 đang dấy lên cơn sốt chưa từng có, làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu giống của Viện Lúa ĐBSCL cung ra thị trường so với những năm qua. 
Thông tin trên được Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và Sản xuất nông nghiệp (Viện Lúa ĐBSCL) cho biết. Hiện nay, Viện lúa chỉ đáp ứng giống cấp siêu nguyên chủng và giống nguyên chủng cho các đơn vị sản xuất giống. Trong khi đó giống cấp xác nhận hầu như không đủ bán trước nhu cầu đang tăng cao.
 
Trên thực tế, giống lúa OM18 đã được chuyển giao từ hơn 4-5 năm qua. Nông dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sau khi thực hiện các mô hình trình diễn ban đầu nhận thấy giống thích nghi, chống chịu hạn, mặn tốt.
 
Hơn nữa, nhờ đặc tính kháng rầu nâu và bệnh đạo ôn khá tốt, năng suất cao, nhất là chất lượng hạt gạo trắng trong, cơm thơm nhẹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng gạo nội địa nên OM18 được thương lái đặt cọc mua từ đầu vụ. Từ đó, nông dân chuyển sang chọn canh tác giống lúa OM18 càng nhiều, diện tích tăng nhanh, lấn át giống lúa OM5451 trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu…
 
Giống lúa OM18 có nguồn gốc từ tổ hợp lai OM8017/OM5166 được lai tạo bởi Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL. OM18 là giống lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng 95-100 ngày (lúa sạ), 100-105 ngày (lúa cấy), chiều cao cây 100-110 cm, cứng cây: độ 1, đẻ nhánh khỏe. Năng suất vụ ĐX 7-8 tấn/ha, vụ HT 5-6 tấn/ha. Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức 78-79%, gạo trắng 67-68%; gạo nguyên 40-45%. Chiều dài hạt gạo 7,0-7,1 mm. Hạt gạo thon dài, cơm mềm và ngọt. Tính chống chịu: Kháng đạo ôn (cấp 2), hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5), chống chịu mặn 3-4‰.
Giống canh tác được các vụ trong năm, thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL và vùng nhiễm mặn.
 
Theo nongnghiep.vn