Đại diện Bộ NN&PTNT nhận định, lâu nay cung ứng nhiều mặt hàng nông sản chính cho thị trường đều thông qua kênh thương lái tư nhân nên khó truy xuất nguồn gốc, giá trị tăng thêm chủ yếu rơi vào tay thương lái…
 
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Giám đốc Dự án “Phát triển hệ thống cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045”, cho biết, để giải quyết vấn đề thương lái nhiều tầng nấc, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân tham gia chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm cho hệ thống cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại.
Theo Bộ NN&PTNT, kênh phân phối gạo tại thị trường nội địa gồm nhiều tác nhân, trong đó lớn nhất là thương lái. Trên 90% lúa tại ĐBSCL bán qua thương lái. Đa số các công ty lương thực, doanh nghiệp xuất khẩu gạo không tiến hành thu mua lúa từ nông dân mà chủ yếu thu mua lúa và gạo nguyên liệu từ thương lái. Người tiêu dùng hiện mua gạo chủ yếu từ các thương lái nhỏ.
 
Trong khi đó, với thói quen tiêu dùng thịt nóng, đa số người Việt Nam vẫn mua thịt trực tiếp tại các chợ truyền thống. Thịt các chợ này chủ yếu lấy từ các điểm giết mổ tư nhân (khoảng 80%).
 
Với các sản phẩm thủy sản, Nếu các sản phẩm đánh bắt từ biển được thu gom bởi các cảng địa phương, thì sản phẩm thủy sản nước ngọt vẫn được phân phối thu qua hệ thống thương lái.
 
Riêng mặt hàng rau, quả gần như việc cung ứng cho thị trường giao phó cho thương lái. Thông thường rau, quả được thu hoạch và bán cho thương lái tại địa phương. Các thương lái này sẽ chuyển hàng hóa đến các thương lái lớn hơn hoặc bán cho các chợ truyền thống.
 
Do đặc tính mùa và vùng miền nên thương lái có một vị trí rất quan trọng trong phân phối các sản phẩm rau, quả. Phần lớn rau, quả này chưa được đóng gói, phân loại, bảo quản đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ NN&PTNT nhận định, việc hệ thống cung ứng nông sản của thương lái len lỏi khắp nơi, trong khi chưa có các trung tâm thu gom hiện đại đặt tại các vùng nguyên liệu chính dẫn tới làm giảm cơ hội thị trường cho người sản xuất, giá trị tăng thêm chủ yếu rơi vào tay thương lái và thu gom, hạn chế sự phát triển chợ đầu mối, giảm chất lượng sản phẩm…   
 
Theo TS. Nguyễn Văn Sánh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), tại ĐBSCL đội ngũ thương lái tồn tại và phát huy sức mạnh do sự tác động của một số điều kiện thực tế.
 
Trước tiên, cần phải đề cập đến mạng lưới giao thông còn hạn chế, trong khi nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ. Những  thương lái với phương tiện giao thông thô sơ bằng ghe xuồng nhỏ có thể luồn lách vào từng con kênh, con rạch để thu gom hàng hóa (thường được gọi là thương lái cơ sở). Thương lái cấp cơ sở này giao hàng lại cho các chợ vựa ở xã, huyện (gọi là thương lái trung gian). Thương lái trung gian lại cung cấp hàng cho thương lái cung ứng sơ chế hoặc chọn lựa sản phẩm lại một lần nữa để đưa đến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hoặc các chợ đầu mối tiêu thụ nội địa.
 
Đặc biệt, thương lái còn có vai trò quan trọng trong một số trường hợp như với những mặt hàng khó tồn trữ (chuối, dưa hấu...), hay trong điều kiện sản xuất ở vùng sâu và vùng xa...
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện nêu quan điểm, rất khó để lấy hợp tác xã thay thế thương lái nhằm cung cấp nông sản cho các hệ thống cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại.
 
Theo ông Thiện, Long An hiện có hơn 130 hợp tác xã nông nghiệp, nhưng để xây dựng 5 hợp tác xã điển hình đã thấy khó. Có hiện tượng hợp tác xã không muốn nhận thêm thành viên.
 
“Nói như vậy để thấy, hiệu quả của nhiều hợp tác xã hiện nay chưa tốt, khó làm thay vai trò thương lái thu gom cung ứng nông sản cho hệ thống cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại khi hệ thống này sẽ triển khai ngay”, ông Thiện bộc bạch.
 
Đồng quan điểm, TS. Sánh cho rằng, tuy Nhà nước đã đưa ra khá nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp nhưng trên thực tế nhiều hợp tác xã nông nghiệp hoạt động không hiệu quả.
 
Những hợp đồng với doanh nghiệp trong cánh đồng lớn không ít lần bị nông dân bẻ gãy, vì nông dân so sánh giá bán lúa tại ruộng với giá của thương lái cung ứng; hoặc do bị cò lúa ở địa phương phá giá.
Bí thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cũng nhận định, chỉ khi nào tiến đến một nền sản xuất hàng hóa đủ lớn, vai trò thương lái mới chấm dứt hoặc chuyển đổi sang hình thức khác.
 
Khi đó, nông dân tham gia vào các hợp tác xã, ngoài sản xuất còn có thêm những dịch vụ tín dụng, vận chuyển, phân loại, bảo quản, chế biến - những dịch vụ mà hiện nay do thương lái và doanh nghiệp đảm nhiệm
Nguồn: tintucnongnghiep.com