Năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình thâm canh cam đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây là một hoạt động trong chuỗi dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung” thuộc chương trình Khuyến nông Trung ương.
Mô hình được thực hiện trên vườn cam Xã Đoài lòng vàng có diện tích 3 ha bước vào chu kì kinh doanh. Mô hình này được hộ ông Lê Thanh ở thôn Xuân Mai, xã Gio Bình, huyện Gio Linh trồng từ tháng 10/2015 với mật độ 500 cây/ha. Đây cũng là vùng trồng cam được UBND xã Gio Bình đăng ký sản xuất theo hướng VietGAP, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Trước khi dự án tác động vườn cam đã trồng được khoảng 3,5 năm, cây sinh trưởng phát triển khá tốt. Qua đó thấy rằng giống cam Xã Đoài lòng vàng thích nghi với đất đai và khí hậu của địa phương.
Tuy nhiên số cành cấp 2,3 phân bố không đồng đều, do việc tỉa cành tạo tán chưa phù hợp. Chưa có kế hoạch dự báo và phòng trừ sâu bệnh một cách chủ động. Việc sử dụng phân hữu cơ còn hạn chế.
Bên cạnh đó địa hình có độ dốc, diễn ra quá trình xói mòn theo dòng chảy, nên mức độ giữ phân giữ nước không tốt. Tuy vườn cây được tạo hình bằng cách cắt tỉa bớt cành vô hiệu, nhưng công việc chưa được thường xuyên, mức độ cân đối của cây cũng như độ đồng đều trên toàn mô hình đạt bình quân khoảng 65%.
Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm đã hỗ trợ cho hộ dân thực hiện mô hình 30% vật tư, phân bón. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật đã tiến hành tập huấn về kỹ thuật bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phương pháp cắt tỉa tạo hình, tưới nước cho các hộ trong và ngoài mô hình.
Ông Lê Thanh, chủ mô hình cho biết, từ khi tham gia mô hình nhờ cán bộ kỹ thuật đến tận vườn bắt tay chỉ việc, hướng dẫn ông đã hiểu biết và áp dụng đúng các kiến thức về trồng và chăm sóc mô hình cam theo hướng đảm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế vào vườn cam của mình.
“Điểm mới của quy trình kỹ thuật là tôi được cán bộ chuyển giao và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tác động vào vườn cam, sử dụng phân chuồng hoai mục, phân sinh học, bả dự tính dự báo và thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và phương pháp thủ công để diệt trừ sâu hại, ghi nhật ký đầy đủ trong việc trồng, chăm sóc vườn cam”, ông Thanh nói.
Kỹ sư Lê Thị Tú, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, quá trình bón phân hữu cơ và hóa học đã chia 4 lần bón: Bón thúc quả và chống rụng quả: thời gian từ 28-30/4/2019, gồm 0,3 kg urê + 0,2 kg kali/gốc;
Bón thúc cành thu và tăng trọng lượng quả: thời gian từ 23-25/7/2019, gồm 0,3 kg urê + 0,15 kg kali/gốc;
Bón thúc tăng khối lượng và chất lượng quả: thời gian từ 10/9-12/9/2019, gồm 0,15 kg urê + 0,5 kg kali/gốc;
Bón sau thu hoạch (dự kiến): thời gian từ 30/11-15/12/2019, 100% phân hữu cơ, lân và vôi , gồm 30-35 kg phân chuồng hoai + 1,25 kg Super lân + 1,0 kg vôi bột/gốc.
Mô hình chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, bẫy bả diệt côn trùng và phương pháp thủ công, không sử dụng thuốc hóa học, xác định thời điểm phun thuốc phù hợp, hạn chế số lần phun nhưng vẫn khống chế được sự phát sinh của sâu bệnh, đồng thời đảm bảo thời gian cách ly nhằm phân hủy hết thuốc, không gây ô nhiễm môi trường và chất lượng nông sản.
Qua thời gian triển khai cho thấy cây cam sinh trưởng phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại nguy hiểm, quả đẹp, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Số quả bình quân 82 quả/cây, trọng lượng quả bình quân 4-5quả/kg, ước tính sản lượng khoảng 20 tấn, với giá bán hiện tại 25.000đ/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với nhiều cây trồng khác trên cùng diện tích đất.
Ông Trần Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết mô hình triển khai đã có những tác động tích cực về mặt nhận thức, giúp hộ tham gia mô hình cũng như các hộ trồng cam trên địa bàn thay đổi tập quán canh tác từ quảng canh sang thâm canh chăm sóc, có đầu tư, có định hướng phát triển bền vững, lâu dài...
Theo nongnghiep.vn
Tin liên quan: