Hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng quy định, lạm dụng thuốc BVTV gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Vì vậy, vấn đề quản lý và sử dụng thuốc BVTV trên nông sản nói chung, rau màu nói riêng ngày càng trở nên cấp thiết nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.  
 
Khái niệm rau an toàn không còn xa lạ đối với người sản xuất và tiêu dùng, nếu rau không an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nhưng do tập quán canh tác, cũng như thói quen sử dụng thuốc BVTV tràn lan của người nông dân đang diễn ra phổ biến trên các cánh đồng sản xuất rau. Nhiều loại rau khi bán ra thị trường vẫn còn tồn dư thuốc BVTV. Trong khi đó mô hình sản xuất rau an toàn lại gặp khó khăn bởi thói quen của người tiêu dùng. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra để người sản xuất và người tiêu dùng hiểu đúng thế nào là rau sạch, rau không sạch, cũng như quản lý chặt chẽ việc bán và sử dụng thuốc BVTV của người dân.
 
Lạm dụng tuốc BVTV, phun tràn lan, thậm chí khi phun xong vỏ bao bì được vứt bừa bãi ngay trên bờ ruộng, trên các tuyến kênh mương nội đồng… Đây là thực trạng đang diễn ra trong hầu hết các cánh đồng trồng rau trong tỉnh. Trong khi đó, tại cánh đồng trồng rau của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Đa Mai (tp Bắc Giang) tất cả những vỏ thuốc BVTV sau khi phun xong được bỏ vào bể bê tông đậy nắp.
 
Trong quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, việc sử dụng thuốc BVTV, thời gian phun, thời gian thu hoạch, nguồn nước tưới, khu sơ chế… tất cả đều phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thế nhưng việc tiếp cân thị trường, tiêu thụ lại gặp khó khăn bởi nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế.
 
Bà Nguyễn Thị Thắm - HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Đa Mai cho biết: “Để sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP không phải là dễ làm, rau an toàn phải được phun thuốc BVTV đảm bảo thời gian cách ly, khi bón phân hóa học cũng phải đảm bảo thời gian cách ly nên rau sẽ không được tươi ngon như ngoài thị trường mà giá lại cao hơn nên khó bán…”
 
Trong khi rau an toàn đưa vào thị trường gặp khó khăn bởi quan niệm ham rẻ của người tiêu dùng thì theo kết quả kiểm tra tồn dư thuốc BVTV của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang trong 2 năm 2014 - 2015 trong tổng số 10 mẫu rau quả lấy đi phân tích thì có 5 mẫu tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Cũng theo báo cáo phục vụ Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm tháng 4 năm 2016 vừa qua, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau là 5,17%. Cùng với đó, hiện tượng người dân sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục, sử dụng BVTV cấm (cực độc), sử dụng thuốc BVTV có thời gian cách ly không đảm bảo và không đúng nồng độ liều lượng... cũng đã xuất hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của 25 vụ ngộ độc thực phẩm đầu quý 1 năm 2016.
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Bằng mắt thường không thể nhận biết được rau họ sử dụng có nhiễm độc hay không. Do đó, để đảm bảo vệ sinh an toàn thự phẩm trên rau hiệu quả nhất là làm thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân bằng công tác tuyên truyền và kiểm soát.
 
Dư lượng thuốc BVTV còn tồn dư trên thực phẩm là thực trạng đáng báo động hiện nay và cần phải kịp thời thay đổi. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực quyết tâm và nỗ lực của cơ quan chuyên môn trong việc kiểm soát thì người nông dân cũng phải sử dụng thuốc BVTV đảm bảo đúng quy trình và người tiêu dùng phải có thái độ đúng đắn với những sản phẩm có chất lượng không nên vì ham rẻ mà quay lương với sản phẩm đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức sức khỏe con người./.
 
 
 
ĐT