Triệu chứng:
Rầy nâu dùng vòi chích hút nhựa làm cho lúa khô héo, để lại trên lá, thân cây một vệt nâu cứng, cản trở luân chuyển nước và chất dinh dưỡng. Mật độ cao gây ra hiện tượng cháy rầy.
Đặc điểm sinh học:
Vòng đời của rầy từ 25 đến 28 ngày, con cái trưởng thành có thể đẻ 150 - 250 trứng và có tính hướng sáng mạnh.
Rầy hại nặng trên các giống lúa kháng rầy kém, ruộng lúa cấy dày, bón nhiều đạm. Rầy nâu là loại côn trùng thích sống quần tụ và khả năng sống quần tụ cao. Cả rầy non và trưởng thành đều không thích ánh sáng trực xạ nên rầy nâu sống gần gốc lúa, chích hút ngay thân lúa, chỉ khi râm mát, rầy trưởng thành mới có ở trên mặt tán lá. Rầy trưởng thành ưa ánh sáng đèn, phát sinh trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm không khí cao, có nắng, mưa xen kẽ. Rầy gây hại nặng trong giai đoạn lúa có đòng, trổ bông.
Ngoài ra rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh virus trên lúa như bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.
Biện pháp phòng trừ:
Vệ sinh đồng ruộng, diệt cỏ, lúa chết. Dùng giống kháng rầy hoặc ít nhiễm rầy.
Không dùng phân đạm quá nhiều. Không sạ, cấy quá dày. Thời vụ gieo cấy tập trung. Hạn chế tối đa việc dùng thuốc trừ sâu, nhất là vào giai đoạn đầu vụ để bảo vệ thiên địch của rầy.
Thăm đồng thường xuyên, nếu thấy rầy xuất hiện với mật độ trên 1.500 con/m2 thì sử dụng một trong các loại thuốc để trừ như: Applaud 10 WP, Bassa 50 EC, Bassan 50 EC, Trebon 10 EC, Butyl, Conphai 10 WP… (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì)
Đối với vùng ruộng mật độ rầy cao trên 5.000 con/m2 , sử dụng kết hợp một trong các loại thuốc sau để phun: Trebon 10 EC, Bassa 50 EC, Bassan 50 EC,... (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì) + 2 gam thuốc Actara 25 WG hoặc 40-50 gam thuốc Applaud 10 WP.
BBT
- Cách phòng bệnh ghẻ trên cây có múi (11-11-2022)
- Quản lý sâu bệnh gây hại chính trên cây chanh leo (09-06-2021)
- Kỹ thuật phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa mùa (19-03-2021)