Xây dựng bản đồ vùng sản xuất tập trung; sử dụng thiết bị công nghệ để quản lý, vận hành… là những giải pháp được ngành nông nghiệp Bắc Giang thực hiện nhằm thay đổi phương thức sản xuất. Số hóa, từng bước chuyển đổi số góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Thao tác đơn giản, tiết kiệm thời gian

Vài tháng gần đây, mỗi khi có doanh nghiệp (DN), cá nhân muốn về đầu tư tại các vùng sản xuất tập trung (SXTT) hay khi cần đóng góp ý kiến đối với các ngành, địa phương về triển khai các dự án, Sở Nông nghiệp và PTNT không phải cử cán bộ rà soát, xác định trên thực địa. Thay vào đó, chỉ cần vài thao tác nhỏ trên điện thoại, máy tính, cán bộ chuyên môn của Sở có thể chỉ từng vị trí quy hoạch vùng SXTT, từ đó có định hướng, gợi mở phù hợp đối với các đối tác cũng như trả lời các cơ quan, đơn vị.

Đây là kết quả từ chủ trương xây dựng “Bản đồ số hóa các vùng SXTT, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh”. Được xây dựng từ năm 2020, đến nay, bản đồ số cơ bản hoàn thiện với đầy đủ thông tin liên quan đến vùng SXTT. 

Chỉ với điện thoại thông minh hoặc máy tính có thể kiểm tra đầy đủ thông tin về vị trí, diện tích của 151 vùng sản xuất lúa, 77 vùng sản xuất rau, 79 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung cũng như khu vực chăn nuôi. Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Thực tế trước đây có một số DN, hợp tác xã (HTX) đầu tư, mở rộng sản xuất song vì chưa có thông tin về các vùng SXTT nên thực hiện trên diện tích được quy hoạch các dự án khác, buộc phải di chuyển sau vài năm. Từ khi có bản đồ số, những bất cập trên được khắc phục, tình trạng các quy hoạch khác chồng lấn lên vùng SXTT không còn”.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp hầu hết đã được triển khai ứng dụng, công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 vào quản lý, vận hành. 

Ở lĩnh vực trồng trọt đã đưa vào trình diễn và khuyến khích người dân sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu bệnh. Cách làm này vừa giúp phun được trên diện rộng, giảm chi phí lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. 

Hay như Chi cục Kiểm lâm sử dụng thiết bị flycam để quản lý, bảo vệ rừng tại những địa phương có diện tích rừng lớn, kịp thời phát hiện hơn 10 vụ cháy rừng, phá rừng. Tương tự, Chi cục Thủy sản phối hợp với đơn vị cung ứng tổ chức cấp, hỗ trợ 30 bộ thiết bị tự động hóa (1 máy cho cá ăn, 2 máy quạt nước, 1 camera và 1 tủ điện) cho các hộ nuôi thủy sản tại huyện Việt Yên, Tân Yên và Yên Dũng.

Ông Tô Văn Tuyến, thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) nói: “Với bộ thiết bị này, chúng tôi có thể theo dõi, cài đặt chế độ ăn, thời gian quạt nước tạo ô-xy trên ứng dụng điện thoại thông minh. Giờ tôi đi đâu chỉ cần mở điện thoại là xem, điều chỉnh được hệ thống máy tại nhà, vừa giảm sức lao động mà vẫn yên tâm. Hiện tôi đã liên hệ mua thêm một bộ tương tự”.

Không để lỡ nhịp số hóa các khâu sản xuất

Là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", thời gian qua, ngành nông nghiệp, các chủ thể đã chủ động xây dựng kế hoạch, từng bước chuyển đổi số. Ghi nhận tại HTX Gia cầm Mạnh Ngân, bản Rừng Dài, xã Tam Tiến (Yên Thế) cho thấy, để bảo đảm nhiệt độ phù hợp cho gà đẻ trứng, HTX lắp đặt hàng chục quạt thông gió, nhiệt độ trong chuồng luôn ở mức 25 độ C. 

Hệ thống quạt được kết nối với bộ cảm ứng, tự động bật, tắt tùy theo nhiệt độ ngoài trời; các thiết bị này được kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyền Huyền, xã Bảo Đài (Lục Nam) cũng gắn chip cảm biến đối với hệ thống tưới; hệ thống phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cũng được cài đặt tự động thông qua bảng điều khiển. 

Anh Nguyễn Văn Quyền, Giám đốc HTX chia sẻ: “Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất giúp giảm nhân công, vật tư và tăng hiệu quả sản xuất. Qua theo dõi giữa khu vực có cài đặt thông minh với những vị trí khác, cây trồng phát triển đều hơn và không bị bệnh”.

Theo kế hoạch, cùng với hoàn thiện, tích hợp bản đồ số với quy hoạch chung của tỉnh, từ nay đến năm 2025, ngành nông nghiệp tập trung cấp mã vùng trồng đối với các vùng SXTT và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số. Theo đó, cùng với xây dựng cơ sở dữ liệu, ngành sẽ tập trung cấp mã vùng trồng gắn với số hóa mã vùng trồng, qua đó quản lý được quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Trước mắt, hai năm tới sẽ hoàn thành cấp mã số vùng trồng đối với toàn bộ diện tích cây ăn quả có quy mô tập trung từ 10 ha trở lên kết hợp cập nhật thông tin lên nhật ký điện tử. 

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp quản lý sản xuất mà còn là bước tiến để nông sản tỉnh Bắc Giang tiếp cận các sàn thương mại điện tử, tăng giá trị sản phẩm. Để không lỡ nhịp, trước mắt chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và nông dân thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong chuyển đổi số, từ đó có lộ trình phù hợp”.

Theo www.khuyennongbacgiang.com