Cá Trắm đen Mylopharyngodon piceus (Richardson, 1846) là loài cá đặc trưng thuộc khu hệ cá vùng Nam Trung Hoa (Nguyễn Văn Hảo và Ngô Sỹ Vân, 2001). Cá phân bố tự nhiên từ phía Nam sông Amua tới miền Bắc Việt nam. Ở Việt Nam, cá Trắm đen sống chủ yếu ở các sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Lam. Giới hạn thấp nhất về phía Nam của loài cá này là sông Lam thuộc tỉnh Nghệ An. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, thịt cá thơm ngon, là nguồn thực phẩm bổ dưỡng được người dân ưa chuộng (Nguyễn Thị Diệu Phương và cs., 2008).

          Trên thị trường thủy sản, cá Trắm đen đang rất được ưa chuộng, do thịt cá có nhiều chất bổ dưỡng (19,5% protein, 5,5% lipid, nhiều canxi, photpho, sắt, các vitamin B1, B2...), đặc biệt có thể làm nguyên liệu dược hỗ trợ chữa được nhiều bệnh... nên phong trào nuôi cá Trắm đen hiện đang được phát triển khá mạnh. Cá Trắm đen có kích cỡ lớn (5 - 6 kg/con), được đánh giá là một trong 5 loại cá nước ngọt ngon nhất có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định nên cá Trắm đen là đối tượng có triển vọng đang được nghiên cứu để áp dụng nuôi đại trà tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam (Nguyễn Văn Tiến và cs., 2010).

          Ở Việt Nam, cá Trắm đen được đưa vào nghiên cứu nuôi thương phẩm từ những năm 1994. Ở thời điểm này, việc nuôi cá Trắm đen chủ yếu được thả ghép với các loài cá nước ngọt khác với tỷ lệ rất thấp. Nguồn thức ăn cho cá Trắm đen chủ yếu là ốc, trai, hến nhỏ có sẵn trong ao đầm. Do nguồn thức ăn tự nhiên hạn chế và nuôi ở mật độ thấp nên sản lượng cá Trắm đen rất thấp. Từ năm 2008, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cá Trắm đen Mylopharyngodon piceus (Richardson, 1846)” trong ao đất, kết quả nghiên cứu đã cho thấy cá Trắm đen sinh trưởng, phát triển nhanh trong mô hình nuôi đơn, nuôi ghép với việc sử dụng 100% là thức ăn công nghiệp. Sự thành công của đề tài đã mở ra một hướng mới cho nghề nuôi cá Trắm đen thương phẩm tại Việt Nam.

          Trên cơ sở thành công của việc ương, nuôi cá Trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã chuyển giao thành công công nghệ ương cá giống và nuôi cá Trắm đen thương phẩm đến nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều cơ sở nuôi đã làm chủ được công nghệ ương cá giống và nuôi thương phẩm cá Trắm đen, bước đầu đã đưa lại hiệu quả, mở ra triển vọng cho việc phát triển nghề nuôi cá Trắm đen quy mô công nghiệp. Điển hình như các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên đã có nhiều mô hình nuôi cá Trắm đen công nghiệp, tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương (Nguyễn Thị Diệu Phương và cs., 2008; Nguyễn Văn Tiến và cs., 2010).

BBT