Vụ Đông năm 2022, tổng diện tích gieo trồng các cây trồng vụ đông của huyện Yên Thế khoảng 11.000 ha. Trong đó, diện tích gieo trồng ngô đông là 200 ha, khoai lang 100 ha, lạc đông 30 ha, rau, đậu các loại 600ha,…

Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế tối đa do sâu bệnh hại gây ra, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện Yên Thế dự báo một số sâu bệnh hại trên các loại cây trồng chính để bà con nông dân biết và phòng trừ.

Theo đó, trên cây ngô, sâu xám xuất hiện và gây hại chủ yếu từ giai đoạn cây ngô 2-3 lá. Sâu đục thân, sâu đục bắp ngô: Phát sinh gây hại từ khi cây ngô có 5-6 lá trở đi và gây hại nặng vào giai đoạn cây ngô phun râu đến khi thu hoạch.

Sâu keo mùa thu: Sâu non gây hại từ tháng 10, giai đoạn cây ngô 2-3 lá và hại gia tăng vào giai đoạn từ 6-9 lá đến xoáy nõn.

Rệp: Phát sinh gây hại giai đoạn ngô trổ cờ đến thâm râu, đặc biệt trên các giống ngô lai, ngô ngọt. Hại nặng cục bộ trên ruộng ngô xanh tốt và gia tăng nhanh khi thời tiết hanh khô.

Bệnh khô vằn: Bệnh gây hại cây ngô giai đoạn xoáy nõn đến trổ cờ, bệnh gia tăng trong điều kiện ẩm độ cao, mật độ trồng dày, đặc biệt trên giống ngô lai.

Bệnh héo khô chết cây ngô: Có thể xuất hiện gây hại từ trung tuần tháng 11 đến thu hoạch.

Bệnh gỉ sắt: Gây hại nặng từ giai đoạn xoáy nõn đến khi thu hoạch, bệnh gia tăng nhanh vào giai đoạn cây ngô trổ cờ, phun râu, thu hoạch, bệnh lây lan nhanh trên diện rộng nếu không được phòng trừ kịp thời, đặc biệt là trên giống ngô ngọt.

Bệnh lùn sọc đen: Bệnh xuất hiện sớm từ giai đoạn cây ngô 3-4 lá, bệnh có xu hướng gia tăng tại những chân ruộng trồng lúa vụ mùa đã xuất hiện bệnh lùn sọc đen gây hại.

Trên cây lạc: Sâu xám, phát sinh và gây hại chủ yếu giai đoạn cây con, sâu non hoạt động vào chiều tối và cắn ngang cây làm giảm mật độ, ảnh hưởng đến năng suất.

Bệnh lở cổ rễ: Xuất hiện và gây hại nặng giai đoạn cây con, đặc biệt trên những ruộng có độ ẩm cao. Bệnh héo xanh gây hại nặng từ giai đoạn củ non trở đi trên các ruộng đất thịt, ruộng nhiều nước. Bệnh đốm đen, đốm nâu, bệnh xuất hiện khi cây lạc phân cành và hại gia tăng khi cây ra hoa trở đi.

Sâu khoang, sâu cuốn lá:  Phát sinh gây hại từ khi cây có lá thật đến tắt hoa, phát triển quả.

Cây khoai tây, cà chua, ớt: Bệnh lở cổ rễ xuất hiện và gây hại nặng giai đoạn cây con, đặc biệt trên những ruộng có ẩm độ cao.

Bệnh sương mai: Phát triển ngay từ sau khi gieo trồng, gây hại nặng từ giữa tháng 12 trở đi đến giữa tháng 2 năm sau, bệnh gây hại trên các bộ phận của cây. Tỷ lệ hại có thể cao tới 40 - 50%, nhất là sau các đợt gió mùa Đông Bắc tràn về, nhiệt độ thấp, kèm theo mưa phùn, bệnh gây hại rất nặng.

Bệnh héo xanh, héo vàng: Bệnh hại nặng trong điều kiện nhiệt độ cao và ẩm độ cao trên khoai tây, cà chua sớm, đặc biệt khoai trồng cắt củ, nếu xử lý không tốt bệnh gây hại nặng.

Bệnh thán thư ớt: Phát sinh gây hại từ giai đoạn hoa - quả, chủ yếu giai đoạn quả chín, có thể gây hại nặng làm giảm năng suất, chất lượng quả. Phòng trừ bệnh thán thư ngay khi bệnh chớm xuất hiện.

Nhện trắng, nhện đỏ: Nhện làm toàn bộ cây bị còi cọc, chậm lớn, lá xoăn, nhăn nheo, nhện gây hại gia tăng khi thời tiết hanh khô.

Rau các loại: Các đối tượng sâu bệnh như sâu xám, sâu xanh, bọ nhảy, rệp, sâu tơ, bệnh lở cổ rễ, thối nhũn, đốm vòng, thối hạch… gây hại từ tháng 10 trở đi. Sâu tơ: xuất hiện gây hại ngay từ đầu vụ và hại mạnh trên rau họ thập tự từ cuối tháng 11 trở đi, đặc biệt vào trung tuần tháng 1, 2 của năm sau, mật độ gây hại càng tăng cao.

Sâu khoang, sâu xanh: Hại chủ yếu từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 3 năm sau.

Rệp: Gây hại nặng từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau, đặc biệt ở điều kiện thời tiết khô hạn.

Bọ nhảy: Gây hại từ đầu vụ đến thu hoạch; gây hại nặng cục bộ trên các ruộng dưa cải từ đầu tháng 12 trở đi.

Bệnh sương mai, giả sương mai, thối nhũn: Hại dưa các loại, hành tỏi, rau các loại phát triển gia tăng và gây hại nặng từ giữa tháng 12 trở đi.

Bệnh đốm vòng, thối hạch và thối nhũn trên cây bắp cải: Bệnh phát sinh gây hại từ giai đoạn phát triển thân lá đến khi thu hoạch, gây hại nặng ở giai đoạn trải lá bàng đến khi thu hoạch.

Chuột hại: Chuột có khả năng gây hại ngay từ đầu vụ và gây hại gia tăng vào cuối vụ trên các diện tích cây vụ đông. Vì vậy, cần tập trung diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023 theo 2 đợt:

Đợt 1: Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, diệt chuột bằng các biện pháp thủ công: đào bắt, đánh bẫy, soi đèn, hun khói… và sử dụng các biện pháp sinh học: nuôi và bảo vệ các loài vật nuôi có khả năng diệt chuột.

Đợt 2: Sau khi thu hoạch cây trồng vụ đông, sử dụng các loại bả diệt chuột có trộn thuốc.

Để làm tốt công tác bảo vệ sản xuất, giảm tỷ lệ thiệt hại tới mức thấp nhất do sâu bệnh, chuột hại gây ra trong vụ đông năm 2022, bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm để phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật hại cây trồng. Khi sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng nồng độ và liều lượng. Trên rau, quả, chè chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV khi thật cần thiết, nền dùng các loại thuốc có độ độc thấp, thuốc sinh học và phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/