Bắc Giang là một trong những tỉnh đứng đầu có tổng đàn vật nuôi lớn của cả nước. Theo số liệu báo cáo của năm 2015, tổng đàn trâu 57,5 nghìn con, đàn bò 134,2 nghìn con, đàn lợn 1,24 triệu con, tổng đàn gia cầm 16,8 triệu con, trong đó đàn gà 14,6 triệu con, diện tích nuôi thủy sản đạt 12,2 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi chuyên canh đạt 5.250 ha. Những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi và thủy sản, nhất là từ khi có Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống vật nuôi, thủy sản, các quy trình và công nghệ tiên tiến, các chế phẩm sinh học đã được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
* Đối với chăn nuôi: Đã chuyển giao, ứng dụng và lai tạo các giống trâu, bò cao sản như trâu lai Mura, bò lai Zebu, bò 3B, bò Úc, các giống lợn siêu nạc như lợn Duroc của Mỹ, Landrace Đan Mạch, Yorkshire và con lai giữa chúng như Pidu, LY, các giống gia cầm cao sản, gà siêu trứng, vịt siêu trứng,…; công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ hầm Biogas, sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót nền chuồng; công nghệ tự động hóa trong nuôi gà đẻ trứng…
 
 Về chăn nuôi lợn: Tổng đàn lợn năm 2015 đạt 1,24 triệu con, trong đó đàn lợn có tỷ lệ nạc trên 50% chiếm khoảng 55% tổng đàn. Chăn nuôi bán công nghiệp tập trung, chăn nuôi trang trại, gia trại theo quy trình an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang có xu hướng tăng, chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình giảm dần. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại và an toàn sinh học chiếm khoảng 20% tổng đàn. Các trại gia công cho các công ty lớn như Công ty CP, Công ty JAFA và Công ty DABACO tại các huyện Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng đều sử dụng công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động, sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót nền chuồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, quy trình an toàn sinh học... ;  Hiện đang triển khai mô hình trang trại hữu cơ tại huyện Hiệp Hòa do Công ty TNHH Kim Tân Minh xây dựng, áp dụng khoa học kỹ thuật vi sinh, chăn nuôi không nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ xử lý chất thải đệm lót sinh học tiên tiến,...
 
Toàn tỉnh, hiện nay có trên 250 trang trại chuyên chăn nuôi lợn đạt tiêu chí, tập trung chủ yếu tại các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hoà...
 
 Về chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn gia cầm năm 2015 đạt 16,8 triệu con, trong đó đàn gà 14,6 triệu con, có khoảng trên 200 cơ sở ấp nở gia cầm, cung ứng được 50% nhu cầu con giống cho địa phương, số còn lại được nhập từ các cơ sở sản xuất giống ngoài tỉnh. Chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được chú trọng. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại và an toàn sinh học chiếm khoảng 30% tổng đàn. Các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô trên 1.000 con/lứa phát triển mạnh, có trang trại đạt từ  5.000-10.000 con/lứa. Nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn tập trung tại các huyện Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang đã xây dựng chuồng kín có hệ thống phun sương, quạt hút gió, tưới nước trên mái, máng ăn, vòi uống nước tự động, sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót nền chuồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, quy trình an toàn sinh học...
 
Tổng số trang trại chuyên chăn nuôi gà toàn tỉnh có khoảng trên 220 trang trại đạt tiêu chí, tập trung chủ yếu tại Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang...  
 
 Về chăn nuôi trâu, bò: Đàn trâu bò có xu hướng giảm, năm 2015, tổng đàn trâu 57,5 nghìn con, đàn bò 134,2 nghìn con, trong đó tỷ lệ bò lai đạt khoảng 70% tổng đàn. Hiện nay, đàn trâu rất khó tăng về quy mô, số lượng; giống trâu được nuôi chủ yếu là giống trâu địa phương có tầm vóc nhỏ, năng suất thấp, hiện tượng giao phối cận và đồng huyết đã làm giảm chất lượng đàn trâu. Đã ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để cải thiện chất lượng đàn trâu bằng giống Muhra bước đầu cho kết quả tốt. Phát triển đàn bò thịt cũng đang là một lợi thế của địa phương, từ năm 2000 đến nay, nhờ có các chương trình dự án của tỉnh đã chuyển giao và đưa các giống bò cao sản như bò lai Zebu, bò 3B, bò Úc, ... vào chăn nuôi, đưa tỷ lệ bò lai Zêbu lên cao.
 
* Đối với thủy sản: Hiện nay, Trung tâm Giống thủy sản cấp I Bắc Giang đã làm chủ công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số thủy sản có giá trị kinh tế cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh như: cá Lăng chấm, cá Anh Vũ, cá rô phi đơn tính, chép lai, điêu hồng, cá chim trắng, cá rô đầu vuông, …
 
Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2015 toàn tỉnh đạt khoảng 12.200 ha, sản lượng đạt 30.5 nghìn tấn. Trong đó, diện tích chuyên canh khoảng 5.250 ha, diện tích nuôi thâm canh 1.280 ha cho năng suất từ 8 - 10 tấn/ha; diện tích nuôi bán thâm canh 2.300 ha, năng suất 4-5 tấn/ha. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên canh nuôi cá tập trung như: xã Nghĩa Trung huyện Việt Yên, xã Ngọc Châu, Cao Thượng huyện Tân Yên, xã Thái Đào huyện Lạng Giang, xã Lão Hộ huyện Yên Dũng,... Chăn nuôi thuỷ sản với hình thức thâm canh, bán thâm canh và an toàn sinh học, sản xuất theo quy trình VietGAP cho năng suất cao đã được người dân quan tâm và có xu hướng phát triển mạnh qua các năm. Sản xuất con thuỷ đặc sản cũng phát triển mạnh trong những năm gần đây, lượng ba ba giống sản xuất hàng năm đạt 85.000 con, sản lượng ba ba thịt đạt bình quân 45 tấn/năm.
 
Tổng số trang trại thủy sản toàn tỉnh có 6 trang trại đạt tiêu chí, tập trung tại các huyện Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng.  
 
Tồn tại, hạn chế: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất chăn nuôi và thủy sản còn hạn chế. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, khả năng cạnh tranh kém; chưa có quy hoạch; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn thấp; sản xuất gắn với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế; công nghệ chế biến nông sản nhất là công nghệ bảo quản, chế biến phát triển chậm; chưa có chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 
 
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:
 
 Do ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún nên khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa, chuyển giao khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, lực lượng lao động phải có trình độ tay nghề cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản nói riêng là lĩnh vực chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, rủi ro cao hơn so với các ngành khác.
 
 Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự quan tâm đến việc chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, quyết liệt, cụ thể, còn ngại khó; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ ngành nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư của Nhà nước cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản nói riêng còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao; hệ thống cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn thiếu đồng bộ, chưa sát thực tiễn và còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa khuyến khích thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng; các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chậm phát triển và làm ăn có hiệu quả kinh tế chưa nhiều; công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản, chính sách pháp luật của Nhà nước cho nông dân chưa được coi trọng.
 
Văn Bằng (t/h)