Giới thiệu
 
Giun quế thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy,
 
Đây là loài giun mắn đẻ, xuất hiện rải rác ở vùng nhiệt đới, dễ bắt bằng tay, vì vậy rất dễ thu hoạch.
 
Kích thước giun quế trưởng thành từ 10 – 15 cm, nước chiếm khoảng 80 – 85%, chất khô khoảng 15 – 20%.
 
Do có hàm lượng Protein cao nên giun quế được xem là nguồn dinh dưỡng bổ sung quý giá cho các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Ngoài ra, giun quế còn được trong y học, công nghệ chế biến thức ăn gia súc…
 
Giun quế: Sấy khô, nghiền nát làm thức ăn cho cá cảnh; chế biến thực phẩm cho gia súc, gia cầm hoặc cho ăn sống.
 
Phân giun: Phơi khô cho vào bao hoặc đem ra sử dụng ngay. Bà con nuôi tôm, cá có thể dùng phân giun để xử lý nước cho ao rất hữu hiệu.
 
Trên thực tế, việc nuôi giun phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường như: thời tiết độ ẩm và khu vực nuôi....
 
Kỹ Thuật Nuôi Giun (Trùn) Quế
 
Thức ăn: Mỗi ngày giun quế tiêu thụ một lượng thức ăn tương đương với trọng lượng có thể chúng, nên phải đảm bảo đủ lượng thức ăn cần thiết cho giun. Thức ăn gồm: phân bò, trâu, dê, heo, gà, vịt, rơm, rạ... (phân gà, phân heo, phân vịt phải ủ hoai).
 
Giống: Nên liên hệ các trại chăn nuôi để có nguồn giống khoẻ, đảm bảo chất lượng.
 
Chuồng trại: Nếu nuôi giun với mục đích tăng thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm, thủy - hải sản thì chuồng có thể tận dụng chum, chậu, bể nước không còn sử dụng. Nếu nuôi với quy mô lớn có thể làm chuồng bằng tấm bạt nylon.
 
Thông thường chuồng xây ngang 1,5m, cao 0,5m, dài 2m trở lên. Chuồng được che phủ bằng lá dừa là tốt nhất vì vừa tạo được bóng mát, vừa giữ được độ ẩm. Chuồng trại phải bảo đảm thông thoáng, không khí ra vào lưu thông.
 
Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp nhất cho giun phát triển là từ 20 - 28 độ C. Bà con ở khu vực phía Bắc cần chú ý: vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp, phải che chắn kỹ, thắp đèn vào ban đêm để giữ nhiệt độ ở mức thích hợp, tránh trường hợp giun bị ngủ đông.
 
Độ ẩm: Nước là thành phần quan trọng nhất, chiếm khoảng 65 - 80% trọng lượng có thể giun nên phải thường xuyên tưới nước cho giun (ít nhất 2 lần /ngày). Nhận biết độ ẩm thích hợp bằng cách: Lấy tay nắm phần sinh khối trong chuồng sau đó thả ra, nếu thấy phần sinh khối còn giữ nguyên và tay ta chỉ ướt là đủ, nếu thấy nước chảy ra hoặc phần sinh khối bị vỡ và rội xuống là quá ướt hoặc quá khô.
 
Ánh sáng: Giun rất sợ ánh sáng nên phải che chắn chuồng thật kỹ vào ban ngày để tránh tia tử ngoại lọt vào chuồng.
 
Không khí: Khí CO2, H2S, SO3, NH4 là kẻ thù của giun nên phải đảm bảo thức ăn sạch sẽ, không có các thành phần hóa học gây bất lợi cho giun, chuồng trại.
Cho ăn: Sau khi bỏ giống được 2 ngày, tiến hành cho giun ăn, lượng thức ăn mỗi lần khoảng 8cm trên mặt luống. Sau đó, tiếp tục cho giun ăn khi thấy trên bề mặt luống đã xốp và không còn thức ăn cũ. Chú ý không nên cho giun ăn khi lượng thức ăn cũ còn quá nhiều, vì lượng thức ăn bị tồn đọng làm cho trùn chỉ lo tập trung ăn và sống phía dưới luống mà không sống trên bề mặt. Điều này khiến cho giun giảm khả năng sinh sản.
 
Sinh sản: Giun là loài lưỡng tính, mỗi con đều có cả bộ phận sinh dục đực (tinh hoàn) và bộ phận sinh dục cái (buồng trứng). Bộ phận sinh dục này nằm ở vị trí đốt thứ 18 đến 22, lệch về phía đầu, đây được gọi là đai sinh dục. ở đốt thứ 6 - 8 có hai lỗ, đây là nõi có túi nhận tinh.
 
Tinh trùng của con này sẽ vào túi nhận tinh của con kia và tạm thời ở đó để chuẩn bị cho sự thụ tinh tiếp theo. Lúc này, đai sinh dục dày lên, nhận một ít trứng rồi di chuyển lên phần đầu giun và nhận tinh trùng ở túi đựng tinh, sau đó thoát ra ngoài và tự thắt chặt hai đầu lại thành kén.
 
Số lượng kén đẻ ra tuỳ thuộc vào giống và tuổi trưởng thành của giun. Sau khi kén đẻ 2 - 4 tuần có thể nở. Trung bình mỗi kén nở ra 6 - 20 giun con và chỉ sau 70 ngày, giun con sẽ thuần thục và trưởng thành. Giun sinh sản quanh năm, trung bình một tuần một lần.
Nhân luống: Sau 2 tháng lượng giun được nhân đôi, có thể tách giun để nhân luống hoặc cho gia súc, gia cầm ăn. Trước khi nhân luống 3 ngày phải cho giun ăn. Lúc này giun tập trung trên bề mặt luống, ta lấy phần trên của luống khoảng 20cm bỏ vào luống mới và tiếp tục cho luống cũ ăn cho đến khi đầy luống.
 
Thu hoạch: Nhử mồi là phương pháp thu hoạch hữu hiệu nhất. Sau khi cho giun ăn được 3 ngày, lấy khoảng 20cm bề mặt trên luống. Trải tấm nylon ngoài sân trống có ánh nắng càng tốt. Đổ phần hỗn hợp này lên tấm nylon, sau đó gạt bỏ phần phân trùn bên trên vì giun sợ ánh nắng nên trốn xuống phía dưới. Chú ý lấy lớp phân giun này cho trở lại luống để tiếp tục nuôi như chất nền.
Theo KNKN